Ý tưởng thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam có từ những năm 2007. Sau 10 năm, vào ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Bảo tàng. Sau 3 năm thành lập, ngày 19/6, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức khai trương.
Bảo tàng Báo chí sẽ trưng bày 5 phần chính gồm: Phần 1 là Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; phần 2 là Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945; phần 3 là Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; phần 4 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975; phần 5 là Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay. Đặc biệt, trong không gian trưng bày của buổi khai trương còn có khu vực “Tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân”, Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Báo chí chiến khu 1945 -1954… Báo Cứu Quốc (tiền thân của báo Đại Đoàn Kết) hân hạnh có trong không gian trưng bày này.
Các không gian trưng bày của Bảo tàng được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2. Các không gian này được khai thác triệt để trên các diện tích trưng bày khác nhau như: Trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay… thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh – truyền hình – số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng.
Bà Trần Thị Kim Hoa- Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Từ khi thành lập năm 2017 đến nay, dự án sưu tầm tài liệu hiện vật đang tiếp tục triển khai; đã sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại Kho cơ sở của Bảo tàng. Trong số đó đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày”. Một điểm nhấn trong không gian trưng bày, theo bà Hoa là: Hình tượng Bút sen ở gian khánh tiết, Bục kim cương ở gian 1865 – 1925.
Để Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thể phát triển và giúp người xem có được cái nhìn rộng và sâu theo nhiều khía cạnh về báo chí Việt Nam, Giám đốc Trần Thị Kim Hoa cho biết: Bảo tàng mong muốn tiếp tục nhận được sự hiến tặng các hiện vật của các nhà báo, thân nhân nhà báo. Hoặc cung cấp cho Bảo tàng Báo chí các tư liệu, thông tin liên quan… Có những thời điểm, việc hiến tặng “rầm rộ” như vào năm 2014 khi xây dựng dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật đã thu hút hơn 500 hiện vật do các nhà báo lão thành công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam đóng góp.