Với hơn 13 triệu dân, TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong công tác sắp xếp lại mô hình hai cấp dưới phường/xã/thị trấn. Do đô thị “phình to”, một số khu phố quản lý từ 4.000-5.000 hộ dân, gấp 10 lần so với quy định nhưng cũng không đủ nhân sự không chuyên trách ở cơ sở, dẫn đến quá tải về quản lý địa bàn.
Nhiều khó khăn khi tinh gọn bộ máy cấp dưới phường, xã, thị trấn
Ông Nguyễn Duy Tân - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM đánh giá, mô hình 2 cấp dưới phường/xã/thị trấn gồm khu phố, tổ dân phố và ấp, tổ nhân dân đã đóng góp không nhỏ để hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Khi sắp xếp lại sẽ gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Tại TPHCM, mô hình tổ chức khu phố, tổ dân phố và ấp, tổ nhân dân đã tồn tại kể từ năm 1985 đến nay. Trong 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020, 2021) đã hỗ trợ rất lớn cho các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của thành phố, chăm lo người nghèo, hỗ trợ tích cực công tác bầu cử…
Ông Đào Văn Tài - Bí thư Chi bộ Khu phố 7 (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) đề nghị xem lại tình hình thực tế về cơ cấu, nhân sự của mô hình tổ dân phố khi không còn khu phố hoặc sắp xếp lại. Bởi vì, tổ dân phố ở những địa bàn đông dân có thể lên tới hàng trăm hộ dân, trong khi hiện tại cũng chỉ có một nhân sự là tổ trưởng và một tổ phó sẽ rất khó để đảm bảo công tác quản lý địa bàn ở cơ sở.
Trên toàn địa bàn TPHCM hiện có hơn 2.000 khu phố, ấp và 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân. Nhân sự hoạt động ở các tổ chức dưới phường, xã, thị trấn theo ước tính vào khoảng gần 64.300 người, trong đó phần lớn là người công tác ở tổ dân phố, tổ nhân dân (khoảng gần 47.000 người). Theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, TPHCM phải điều chỉnh mô hình 2 cấp dưới phường/xã/thị trấn để phù hợp với quy định chung của Trung ương. Cụ thể là tiến hành sắp xếp lại nhân sự làm việc ở khu phố, ấp. TPHCM dự kiến sau sắp xếp sẽ còn 5.242 khu phố, ấp, với số người hoạt động ở cấp dưới phường giảm còn hơn 26.210 người. Về phụ cấp cho nhân sự dưới cấp phường, xã, thị trấn từ 13 chức danh giảm còn 3 chức danh (Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố/ấp, Trưởng ban Công tác mặt trận).
Theo ông Nguyễn Duy Tân - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, do là đô thị đông dân nhất nước, với nhiều áp lực ở cơ sở nên thành phố đã đề xuất bổ sung giữ 2 chức danh Chi hội trưởng Hội phụ nữ và Bí thư Đoàn thanh niên.
Vẫn theo Sở Nội vụ, có những khu phố, ấp của TPHCM hiện nay có tới 4.000 hộ, tức gấp 10 lần so với quy định (trung bình khoảng 450 hộ/khu phố, 350 hộ/ấp). Vì vậy, quá trình sắp xếp lại tổ chức dưới phường/xã/thị trấn của TPHCM cần phải tiến hành một cách thận trọng.
Cần lộ trình thận trọng
Về chủ trương sắp xếp lại các tổ chức dưới cấp phường/xã/thị trấn, ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ấp 7 (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM) cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa nên bỏ các mô hình tổ nhân dân ở các ấp mà nên xem xét phân bổ, sắp xếp lại tổ nhân dân cho hợp lý hơn. Điều này phù hợp với nhu cầu quản lý địa bàn ở cơ sở, trong khi đô thị thành phố cũng đang mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc hơn.
Ông Đào Văn Tài - Bí thư Chi bộ Khu phố 7 (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) cũng đề nghị xem lại tình hình thực tế về cơ cấu, nhân sự của mô hình tổ dân phố khi không còn khu phố hoặc sắp xếp lại. Bởi vì, tổ dân phố ở những địa bàn đông dân có thể lên tới hàng trăm hộ dân, trong khi hiện tại cũng chỉ có một nhân sự là tổ trưởng và một tổ phó sẽ rất khó để đảm bảo công tác quản lý địa bàn ở cơ sở.
Không chỉ các tổ trưởng khu phố, ấp, qua tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trên địa bàn huyện Hóc Môn, UBND huyện Hóc Môn cũng nhiều lần kiến nghị UBND TPHCM về cơ chế công tác nhân sự, đặc biệt là cán bộ, nhân sự không chuyên trách ở cơ sở. Lý do, quá trình đô thị hóa nhanh trong những năm qua khiến dân số địa phương tăng cao chóng mặt. Điều này không chỉ gây áp lực trực tiếp đối với bộ máy phường, xã mà gây khó khăn cả tổ chức cấp dưới phường, xã, gồm khu phố, ấp và tổ dân phố, tổ nhân dân, nhất là công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.
Cũng theo kiến nghị của UBND hyện Hóc Môn, việc sắp xếp lại tổ chức dưới phường/xã/thị trấn là xu hướng khách quan và tất yếu để đảm bảo hiệu quả hoạt động của mô hình này. Trong đó, khảo sát thực tế về quy mô, tổ chức, nhân sự tham gia sinh hoạt ở tổ nhân dân, tổ dân phố còn thấp, có nơi chỉ đạt 50%; cán bộ, công chức tham gia sinh hoạt tổ dân phố, tổ nhân dân chưa thường xuyên và hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở cấp dưới phường, xã cũng còn nhiều bất cập, nặng tính hình thức…
Do tác động rất lớn đến hoạt động quản lý cơ sở như vậy nên Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã tái khởi động đề án sắp xếp tổ dân phố, tổ nhân dân nhưng việc này sẽ được tiến hành có kế hoạch, có lộ trình và chính sách thỏa đáng cho các cán bộ ở cơ sở.
Sở Nội vụ TPHCM đã có tờ trình gửi Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin chủ trương định hướng sắp xếp tổ chức lại 27.377 khu phố/tổ dân phố và ấp/tổ nhân dân trên địa bàn. TPHCM đang duy trì mô hình 2 cấp dưới phường, xã. Cụ thể, dưới phường/xã/thị trấn là khu phố, dưới khu phố là tổ dân phố; dưới xã là ấp, dưới ấp là tổ nhân dân, hiện đang khác biệt so với quy định của trung ương và các địa phương khác. Mô hình đã áp dụng từ năm 1985, tồn tại trong 37 năm và phát huy hiệu quả quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, nhất là trong 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua.