Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là những giải pháp mang tính đột phá liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được nhiều địa phương tích cực triển khai.
Rõ việc, rõ trách nhiệm
Theo đó, 6 mô hình thí điểm trong Kết luận của Bộ Chính trị đều được cụ thể hóa, rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện để đẩy mạnh công cuộc tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Các lĩnh vực mà Kết luận của Bộ Chính trị đề cập đến đều liên quan đến việc hợp nhất, sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy. Cụ thể, sẽ thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện. Thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh được giao cho ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TƯ. Thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được giao cho ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TƯ. Thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HÐND và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung... Tất cả sự sắp xếp, hợp nhất này đều với mong muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho bộ máy nhà nước vốn được cho là đông mà không tinh, chồng chéo, nhiều tầng nấc và hoạt động hiệu quả mang lại không cao trong suốt thời gian qua.
Rất nhiều sự kỳ vọng thông qua việc “chốt” các phương án thí điểm của Bộ Chính trị. Bởi tất cả mọi vấn đề thí điểm liên quan đến cơ cấu lại tổ chức bộ máy đều được cụ thể hóa rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền để việc triển khai thực hiện đem lại kết quả tốt nhất.
Chẳng hạn, với thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện, Bộ Chính trị giao ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, chủ động lựa chọn địa bàn cơ quan, xây dựng, phê duyệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm. Việc thí điểm hợp nhất theo các định hướng cơ bản sau: Cơ quan hợp nhất là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy; đồng thời là cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp; thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Ban Bí thư về cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy và quy định của pháp luật về cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp. Các vấn đề liên quan đến tên gọi, hoạt động sau khi sáp nhập một số nhiệm vụ, người đứng đầu có vai trò gì, trách nhiệm ra sao, biên chế tổ chức của đơn vị mới sau khi sáp nhập thế nào… cũng được quy định rất cụ thể. Theo đó, sẽ là tiền đề, là cơ sở vững chắc để các địa phương “có điều kiện” thí điểm có thể thực hiện tốt chủ trương này.
Vượt qua rào cản
Để tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước cách đây hơn 10 năm, chúng ta đã thí điểm mô hình nhất thể hóa một số chức danh ở chính quyền cấp xã. Trước khi thực hiện chủ trương này đã gặp không ít rào cản. Bởi, để hợp nhất 2 chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND hoặc chủ tịch HĐND, câu chuyện không chỉ mắc ở việc bớt đi một cái ghế. Nào là có sợ chuyên quyền độc đoán hay không, nếu tập trung quyền lực vào một người? Rồi những cuộc “chạy” đua để trở thành người nắm giữ những vị trí quan trọng tuy hai mà một sẽ là ai? Có yếu tố “quan hệ”, “tiền tệ” trong việc lựa chọn nhân quan trọng này hay không? Những rào cản này đã khiến việc thí điểm chủ trương được coi là đúng đắn này cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tại Hà Tĩnh, thực hiện mô hình nhất thể hóa, địa phương này đã chọn 16 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch xã. Thế nhưng, đến nay chỉ còn hai đơn vị duy trì. Năm 2009, xã Thạch Hưng là đơn vị duy nhất được Thành ủy Hà Tĩnh triển khai thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch. Khi đó, Thạch Hưng là đảng bộ trong sạch, vững mạnh, là “điểm sáng” của thành phố. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thực hiện mô hình, Thạch Hưng bị tụt hậu, đảng bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ. Ðiều đáng quan tâm là trước khi thực hiện mô hình, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã làm tốt vai trò của mình. Nhưng khi thực hiện mô hình, cán bộ này đánh mất bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành, có biểu hiện thu vén cá nhân, giàu lên nhanh chóng, không quy tụ được cán bộ cấp dưới, khiến nội bộ mất đoàn kết, người dân mất niềm tin, đời sống khó khăn, tình trạng lấn chiếm đất đai, khiếu kiện kéo dài chậm được xử lý, gây bức xúc trong nhân dân. Năm 2013, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh thống nhất dừng thí điểm chủ trương nhất thể hóa ở địa phương này. Qua đó cho thấy rõ kẽ hở, mặt trái của mô hình là thiếu cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, dễ phát sinh tư tưởng độc đoán, chuyên quyền, tự tung, tự tác.
Khó chọn người tài khi hai chức danh này rất quan trọng và làm thế nào để giám sát quyền lực, chống lạm quyền đó là những vấn đề thực tiễn đặt ra khi hợp nhất một số chức danh. Đấy là chưa kể, còn nhiều lực cản khác liên quan đến chuyện mất ghế, sắp xếp lại nhân sự…sẽ là những rào cản rất lớn khi thực hiện những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ vốn cho là nhiều khó khăn lắm nhạy cảm này.
Giảm đầu mối, giảm biên chế nhưng phải giám sát, kiểm soát quyền lực
Bình luận về những sự sáp nhập, nhất thể hóa một số chức danh mà Bộ Chính trị vừa phê duyệt, ông Lê Quang Thưởng- nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc nhất thể hóa theo các mô hình thí điểm của Bộ Chính trị hoàn toàn phù hợp, bởi những tổ chức, cơ quan trên có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng với nhau. “Khi thực hiện nhất thể hóa sẽ giải quyết được vấn đề cán bộ, mà còn tinh gọn, giảm đầu mối, giảm biên chế. Tuy nhiên, khi 1 người kiêm nhiệm 2 vị trí thì phải lựa chọn được người xứng đáng, am hiểu cả 2 lĩnh vực để hoàn thành tốt công việc”- ông Thưởng nói.
Ông Diệp Văn Sơn- nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam (Bộ Nội vụ) đánh giá rằng, nhất thể hóa là xu thế tất yếu nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Nhất thể hóa hay hợp nhất các cơ quan tham mưu, cơ quan chuyên môn có nét tương đồng là việc cần làm ngay. Ông Sơn tin tưởng mô hình này sẽ giảm được đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bởi thực tế, nhiều địa phương có số lượng ĐBQH không nhiều nhưng lại có văn phòng đoàn ĐBQH để giúp việc là không hợp lý, lãng phí, thừa biên chế trong khi khối lượng công việc không có nhiều. “Công việc của văn phòng HĐND cũng khá sát với văn phòng UBND nên việc hợp nhất cần phải được triển khai sớm”- ông Sơn bày tỏ sự ủng hộ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc nhất thể hóa này tồn tại những nhược điểm nhất định. Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường cảnh báo, điều mà mọi người lo ngại nhất là việc nhất thể hóa sẽ là cơ sở cho việc chuyên quyền, độc đoán xảy ra. Lo ngại này là một vấn đề có thể hiểu được bởi khi nhất thể hóa, quyền lực tập trung vào một đầu mối duy nhất sẽ rất dễ xảy ra tình trạng lạm quyền. Quyền lực tập trung vào một phía mà không có bất cứ ai “đối trọng” lại thì tình trạng trên sẽ rất dễ để xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể được loại bỏ nếu có cơ chế kiểm soát quyền lực thật tốt.
Thủ tục hành chính nào có chi phí thực hiện đắt đỏ nhất? Doanh nghiệp mất trung bình tới 64 triệu đồng để thực hiện một thủ tục trong lĩnh vực xây dựng. Trong khi ấy, với lĩnh vực thuế, số tiền chỉ là 73.000 đồng. Đây là những con số đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2018 sáng 17/8. Báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2018 do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện lần đầu. Đó là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính trên cả nước. Chỉ số APCI gồm 2 chỉ số thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp phải chi trả. Quán quân của bảng xếp hạng chỉ số APCI năm 2018 là nhóm thủ tục hành chính thuế với chi phí tuân thủ là hơn 73.000 đồng. Cụ thể, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm này chỉ là 2,9 giờ. Được biết, riêng về phần thời gian, trung bình, các doanh nghiệp dành hơn 55% thời gian cho riêng khâu chuẩn bị hồ sơ. Tiếp đó, hơn 17% thời gain để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Điều đó cho thấy doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận các thủ tục hành chính vẫn mất nhiều thời gian đi lại và chi phí. PV |