QUỐC TRUNG - THANH TIẾN - NGUYÊN DU•26/06/2024 11:47
Thời gian này khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, mức độ ngày càng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 452 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài hơn 11 km. Trong đó, đường tỉnh 965 có 77 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 2,3 km; các tuyến giao thông nông thôn có 373 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 9 km. Đáng chú ý là có 42 căn nhà bị thiệt hại do sạt lở, sụt lún gây ra.
Còn ở Bạc Liêu - một trong những tỉnh ven biển nằm trong khu vực Bán đảo Cà Mau có bờ biển dài 56km, địa hình thấp nên rất dễ bị tác động của nước biển dâng và các thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn…
Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện tương đối nhiều, tốc độ sạt lở bờ sông ở các khu vực trên từ 1 - 2m/năm như: sạt lở bờ sông Gành Hào, bờ kênh Bạc Liêu - Cà Mau, bờ kênh 30/4, kênh Quản lộ Giá Rai, kênh Cạnh Đền - Hộ Phòng, kênh Láng Trâm, kênh Nước Mặn, kênh Cả Vĩnh...
Các khu vực tuyến sông, kênh rạch còn lại có tốc độ sạt lở từ 0,3 - 0,5m/năm.
Thành phố Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 10 vụ sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh rạch. Riêng trong tháng 4 đã xảy ra 8 vụ, làm ảnh hưởng hơn 20 căn nhà và một kho gạo, thiệt hại tài sản hơn 12 tỷ đồng…, đáng chú ý, giai đoạn sau mùa khô, các điểm sạt lở ngày càng gia tăng, mức độ thiệt hại có chiều hướng nặng nề hơn.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.