Như ĐĐK từng phản ánh, thời gian qua, dọc tuyến sông Hồng và sông Lô trên địa bàn các huyện Yên Lạc và Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) xảy ra tình trạng lở đất nông nghiệp, sạt lở kè sông. Cho rằng chính hoạt động khai thác cát tràn lan của các doanh nghiệp gây ra tình trạng sạt lở nên người dân đã liên tục khiếu nại đến các ngành chức năng.
Trong khi người dân và Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho rằng đất nông nghiệp, kè sông Lô sạt lở nghiêm trọng có một phần nguyên nhân do hoạt động khai thác cát sỏi thì Sở TN&MT lại phủ nhận.
Ruộng lở-dân lo
Chỉ với 4,8 km chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô) nhưng dòng Sông Lô phải chịu hậu quả của việc 5 doanh nghiệp khai thác cát và 1 doanh nghiệp nạo vét ngày đêm. Những năm gần đây, tình trạng trên diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều gia đình bị mất trắng đất nông nghiệp ven sông nên cuộc sống ngày càng khốn khó.
Theo UBND xã Đôn Nhân, có khoảng 5.000m2 đất nông nghiệp của gần 300 hộ dân trong xã đã bị sạt lở xuống sông Lô. Chính quyền xã Đôn Nhân xác định là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hoạt động khai thác cát sỏi.
Không chỉ đất nông nghiệp bị sạt lở, hệ thống kè chống sạt lở bờ sông Lô đầu tư nhiều tỷ đồng tại xã Đôn Nhân cũng bị sạt lở xuống sông. Dự án kè sông gần 20 tỷ trên địa bàn xã Đôn Nhân không thể triển khai xây dựng theo đúng tiến độ ban đầu và liên tục xin thay đổi vị trí, hiện trạng xây dựng tuyến kè.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Sinh- Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & phòng, chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, việc sạt lở đất nông nghiệp tại xã Đôn Nhân do nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau trong đó có nguyên nhân liên quan đến hoạt động cát sỏi.
Còn theo các báo cáo của Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc thì nguyên nhân gây sạt lở được xác định là do hiện nay đang diễn ra các hoạt động khai thác cát tại vị trí dự kiến xây dựng công trình kè.
Tương tự, trên địa bàn xã Trung Hà (huyện Yên Lạc), những năm vừa qua cũng xảy ra tình trạng diện tích lớn bờ sông, đất nông nghiệp ven sông Hồng bị dòng nước cuốn trôi.
Để bảo vệ đất đai cho nhân dân và chỉnh trị, nắn dòng sông Hồng, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng hai mũi kè (Dự án kè WB6) tại xã Trung Hà trị giá nhiều tỷ đồng.
Thế nhưng, không hiểu sao ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp phép cho Công ty Khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô khai thác cát ngay sát hệ thống kè này?
Ai phải chịu trách nhiệm?
Trong khi người dân xã Đôn Nhân phản ánh, rằng chính vì các doanh nghiệp tiến hành khai thác rầm rộ, thậm chí có doanh nghiệp còn khai thác vượt phạm vi mỏ, tiến sâu sát vào bờ sông hút cát khiến cho tình hình sạt lở đất nông nghiệp ven sông ngày càng trầm trọng thì ngành chức năng tỉnh Vĩnh phúc luôn lý giải chủ yếu do yếu tố địa chất, thời tiết, không phải do các hoạt động khai thác cát gây ra.
Theo ông Nguyễn Đức Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc: “Hầu hết các chủ DN khai thác cát không báo cáo số lượng tàu khai thác, không báo cáo và đăng ký tạm trú cho các công nhân làm việc trên tàu, điều này gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương về mặt quản lý”.
Trong buổi làm việc gần đây với Tổ công tác của Chính phủ, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước lại giải trình, nguyên nhân sạt lở do khu vực bờ sông xã Đôn Nhân có kết cấu đất yếu, bờ rời, bên dưới chủ yếu là lớp đất cát, dễ sạt lở khi có biến động dòng chảy; thêm vào đó là hiện tượng xả nước hồ thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng sạt lở.
Tại vị trí này, UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án thì tình trạng sạt lở vẫn diễn ra. Các ngành xác định nguyên nhân không phải do khai thác cát gây ra.
Vậy là, quan điểm của Sở TN&MT Vĩnh Phúc trái ngược với các văn bản đề nghị của Sở NN&PTNT.
Còn đối với khu vực khai thác cát tại xã Trung Hà, lãnh đạo Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho hay, sau khi nhận đơn khiếu nại của nhân dân, tỉnh đã cử thanh tra xuống làm việc và bước đầu xác định không phải do Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô gây ra.
Về hoạt động cấp phép, theo lãnh đạo Sở TN&MT Vĩnh Phúc, khi các doanh nghiệp hoàn thành đầy đủ các thủ tục như thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường và đề nghị xin cấp phép khai thác thì Sở TN&MT không thể từ chối.
Về lợi nhuận của hoạt động khai thác cát sỏi, ông Nguyễn Đức Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc đã từng so sánh, lợi nhuận từ việc khai thác cát, sỏi là chẳng thua gì lợi nhuận từ hoạt động phi pháp của các đối tượng “buôn thuốc phiện”, nhưng nhiều công ty được cấp phép vẫn chây ì không nộp đủ đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí môi trường, phí tài nguyên với Nhà nước.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước tình trạng sạt lở bờ sông, sạt lở đất nông nghiệp và sạt lở hệ thống đê kè? Dư luận trông chờ sự vào cuộc quyết liệt và câu trả lời thỏa đáng từ ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc.