Sạt lở ở Trà Leng: Sau tiếng nổ ầm vang, tiếng khóc than dậy đất

Tấn Thành - Chí Đại 31/10/2020 15:49

Trong cơn mưa lạnh buốt giữa núi rừng sâu thẳm ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm người già, trẻ nét mặt thẫn thờ ngồi chờ lực lượng chức năng tìm kiếm người thân trong bùn đất, họ đã khô cạn những dòng nước mắt với nỗi đau thương quá lớn này.

Đến sáng 31/10 lực lượng cứu hộ với hàng trăm con người vẫn tiếp tục tích cực bất chấp gió mưa, nguy hiểm tìm kiếm các nạn nhân. Cùng với đó hàng trăm người già, trẻ mặt thẫn thờ ngồi chờ lực lượng chức năng tìm kiếm người thân trong bùn đất, thỉnh thoảng lại nghe tiếng khóc than đau xé lòng. Những ai chứng kiến cảnh tượng này đều không thể kìm nén được những giọt nước mắt.

Ông Hồ Văn Đề kể lại tình cảnh của mình.

Ngồi lặng lẽ một mình trên gò đồi núi, ông Hồ Văn Đề (77 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Leng) đôi mắt đỏ hoe, sau 2 ngày mất ngủ trông ngóng người thân bị vùi lấp trong bùn lầy mất tích.

Ông Đề nghẹn ngào: “Nhà cửa, tài sản của tôi và hơn 11 hộ dân bị đất đá vùi lấp san phẳng, chỉ trong một thời gian ngắn cả ngôi làng bình yên ngày nào thì giờ đây đã bị cả đồi núi cao đổ sập về chôn vùi tất cả. Con, cháu tôi chết mất rồi các chú ơi”.

Các thầy thuốc đang cứu chữa người bị thương.

Quả thật quá kinh hoàng, nơi đây đất đá đã san phẳng ngôi làng và tạo thành những hố sâu cùng những dòng nước mạnh chảy như thác đổ. Nhiều người kể lại, khi xảy ra vụ sạt lở họ đã quá may mắn thoát chết trong gang tấc.

Có người trèo lên và bám chặt vào cây cổ thụ, có người băng mình chạy về phía đồi bên kia. Lũ dữ kèm theo đất và những tảng đá khổng lồ cuồn cuộn đổ xuống cuốn trôi và làm gãy đổ tất cả vật dụng, nhà cửa. Có người đến giờ vẫn chưa hết kinh hoàng và không biết vì sao mình còn sống.

Chị Trần Thị Diệu đau xót nói về nỗi đau mà mình phải gánh lấy.

Một số người may mắn sống sót là nhờ đi canh rẫy trông coi mùa vụ. Trước khi xảy ra sạt lở núi, mưa liên tục, gió rất mạnh, sau đó họ nghe một tiếng nổ rất to, ầm vang cả núi rừng. Khi mọi người chạy về nhà ở nóc Ông Đề thì chứng kiến cảnh tượng thật khủng khiếp, họ không thể tin điều đó là sự thật, khi cả ngôi làng bị vùi lấp hoàn toàn bùn đất, đá sình lầy. Kèm theo đó những tiếng khóc than la thét thật thảm thiết; những tiếng hét kinh hoàng của những người bị thương và thoát chết.

Ông Đề cho biết: “Ngay sau vụ sạt lở núi, cán bộ UBND xã Trà Leng cùng người dân địa phương đã dùng tay đào bới tìm kiếm, đưa được thi thể một đứa cháu ra ngoài. Đến trưa thì họ tìm được thi thể con tôi là Hồ Văn Hùng ở dưới đống đất đá. Hiện nay 6 người con cháu của tôi vẫn còn mất tích”, nói đến đây ông Đề rơi lệ và nghẹn lời.

Người dân dựng lều che các ngôi mộ của nạn nhân vụ sạt lở Trà Leng.

Còn chị Trần Thị Diệu (29 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Leng) nói: “Mất hết rồi, nhà sập đổ. Con cái cũng bị vùi lấp mất tích dưới đống đá này. Đau đớn quá trời ơi hỡi đất”.

Một hồi lâu trấn tĩnh lại chị cho biết, vào chiều 28/10, mưa như trút nước, tiếng gió rất mạnh, cây cối bị gãy ngã đổ. Vợ chồng chị mang 4 đứa con lên nhà ông Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã để trốn trú, còn chị giúp bà con vận chuyển đồ đạc sau đó mới đi trú.

“Nhà Bí thư Việt kiên cố an toàn nhất trong thôn nên dân làng về đây để trốn bão. Có hơn chục con người tạm trú ở đây, vậy mà đất đá vùi lấp hết cả, con tôi cũng bị vùi lấp mất rồi”, thế rồi chị Diệu gục xuống. Đôi mắt người mẹ này đỏ hoe, khuôn mặt hốc hác bơ phờ, tâm trạng đầy đau khổ, có lẽ chị cũng đã cạn khô những dòng nước mắt.

Người dân đưa quan tài vào điểm sạt lở xã Trà Leng.

Một hồi sau bình tĩnh lại, chị Diệu kể tiếp, sau khi nghe tiếng âm thanh thật lớn, chồng chị vừa la vừa kéo chị chạy thì dưới chân đất đá, cây cối trôi xuống. Lúc tỉnh dậy chị thấy mình nằm trong nhà của em gái. Đầu óc quay cuồng khi nghĩ tới những đứa con đã bị đống đất đá vùi chết. Mãi đến tối khi thấy người dân cõng đứa con gái 4 tuổi người đầy bùn đất, bị thương khắp nơi. Chị chạy lại ôm con đưa con đi cấp cứu.

“Chưa bao giờ, tôi thấy một vụ sạt lở lớn đến vậy, đất đá vùi lấp hết tất cả. Tại nhà Bí thư xã, nhiều người bị thương và chết. Cho đến giờ 3 đứa con còn lại của tôi vẫn chưa tìm ra được. Đau đớn lắm bà con ơi”, chị Hà nói.

Chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Đang ở cùng 2 đứa con bị thương tại Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My, chị Hồ Thị Hà, (trú thôn 3, xã Trà Leng) nói: “Sau khi xảy ra sự việc tôi chạy đến thì thấy nhà bố mẹ tôi nằm trong đống bùn đất ngổn ngang cây cối. Tôi cố gắng đào bới để tìm kiếm, tôi thấy mẹ tôi cùng 2 con gái trong đống bùn đất đổ nát này, họ còn sống nhưng bị thương nặng còn bố tôi đã chết trong đống bùn ấy”, chị Hà nghẹn ngào nói.

Hiện, mẹ chị Hà bị chấn thương khắp người, 1 cô con gái bị gãy chân, cháu còn lại bị chấn thương nặng đang được y, bác sĩ chăm sóc.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả họ là dân lao động, quanh năm gắn bó với núi rừng. Thế rồi giờ đây, kẻ mất cha, người mất con… nỗi đau quá lớn. Những nấm mồ mới được đắp lên chôn những con người xấu số, những quan tài tiếp tục chuyển về làng, những con người vẫn ngóng đợi trong vô vọng bi thương… Không ai biết đến khi nào họ mới vượt qua được nỗi đau này.

Lực lượng đang đào mộ để chôn nạn nhân tìm được thi thể.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đến trưa 31/10, vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng, lực lượng chức năng vẫn mới tìm thấy 8 người tử vong, 14 người mất tích và 33 người thoát chết. Trước thời tiết có mưa gây khó khăn cho công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích này, lực lượng đã đưa chuyên gia địa chất và 4 chó nghiệp vụ của Quân sự, Công an hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân này”.

Lực lượng cứu hộ vẫn tìm kiếm các nạn nhân xấu số.

Trời Trà Leng đang mưa tầm tã, lòng người thì trĩu nặng. Tiếng khóc đau thương giữa núi rừng chưa ngừng được vì còn những con người đang bị chôn vùi dưới bùn đất. Hàng trăm con người vẫn kiên trì tìm kiếm các nạn nhân.

Nỗi đau thấu trời giữa núi rừng Trà Leng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sạt lở ở Trà Leng: Sau tiếng nổ ầm vang, tiếng khóc than dậy đất