Việt Nam không thể đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ và để lại hậu quả không đồng bộ, thiếu kết nối.
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam như một ngôi sao sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới không ngừng biến động và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong năm 2023 kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát và khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng làm thế nào vượt qua vòng xoáy khủng hoảng này.
Theo ông Cường, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn nhận những thách thức đặt ra phía trước. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, nên có sẵn thị trường nội địa gần 100 triệu dân là bệ đỡ quan trọng của doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Nếu khủng hoảng kinh tế, thị trường thế giới sẽ bị thu hẹp, phải tăng cường giữ vững thị trường trong nước, đồng thời phải khai thác thế mạnh các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Sau 2 năm, nợ của doanh nghiệp đang là một thách thức lớn. Sang năm 2023, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức khi chính sách tài khóa kết thúc, trong bối cảnh kinh tế nếu rơi vào khủng hoảng sẽ đẩy doanh nghiệp rơi vào phá sản”- ông Cường nói.
Từ góc độ là một trong những GS kinh tế hàng đầu của đất nước, ông Cường kiến nghị, ngay từ bây giờ phải tính đến phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp xấu nhất. Ông đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp với chính sách tài khóa ngược, bởi nợ công vẫn trong mức kiểm soát (khoảng 60%). Theo đó, thu ngân sách năm 2023 không nên đặt quá cao như năm 2022, song với kế hoạch bội chi năm 2023 chúng ta chỉ đặt ra 2,89%, thấp hơn năm 2022. Đây là yếu tố khó khả thi.
“Chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn tăng vốn đầu tư công năm 2023. Trong bối cảnh vốn giải ngân vốn đầu tư công khó cần đầu tư các dự án dở dang, dành một phần đầu tư công để hỗ trợ các tập đoàn kinh tế mạnh”-ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho rằng, Việt Nam không thể đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ và để lại hậu quả không đồng bộ, thiếu kết nối. Nếu Chính phủ ưu tiên đặt hàng cho các nhà đầu tư trong nước sẽ xây dựng một nền công nghiệp đường sắt độc lập, hiện đại. Đồng thời, ông nhấn mạnh khủng hoảng kinh tế sẽ đặt ra khó khăn với doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất công nghiệp nặng.
Trong khó khăn, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ra đời nhờ đặt hàng của Chính phủ, giải pháp này giúp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Ngoài ra, vị đại biểu đề nghị cần nhất quán quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, phát triển sản xuất.
ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cũng đồng tình với các kết quả đạt được về kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022, song ông đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế.
Điển hình như tăng trưởng GDP tuy cao nhưng chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; tăng năng suất lao động chưa đạt mục tiêu; thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững, nợ đọng tăng; xuất nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Cần làm rõ nguyên nhân về chỉ tiêu tăng tốc độ năng suất lao động không đạt mục tiêu và giải pháp năm 2023. Giải pháp nào để giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng còn lại từ 46,7% lên 96% kế hoạch được giao. Đồng thời làm rõ nguyên nhân dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại”-ông Tiến cho hay.
Về kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, ông Tiến cho rằng, cần nghiên cứu thêm về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu mức tiêu hao năng lượng để tạo ra 1 đồng GDP. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh kết quả đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất và áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật để giảm bớt tiêu hao năng lượng.