Các tuyến cao tốc chính thức thu phí tự động không dừng (ETC) từ ngày 1/8. Sau hai ngày triển khai, hiện tượng ùn ứ tại một số trạm thu phí giảm rõ nét, giao thông dần ổn định trở lại.
Chỉ ùn ứ ngày đầu tiên
Trên một diễn đàn lớn về ô tô, chủ đề về nên dán hay không dán thẻ ETC, dán thẻ của Epass hay Vect đang được bàn luận rất nhiều. Chủ một tài khoản có tên T.H đặt câu hỏi: mình có xe ô tô và ít sử dụng, chủ yếu loanh quanh khu vực Sài Gòn. Vậy có bắt buộc phải dán Epass hay không?
Câu hỏi này được nhiều người quan tâm. Nhiều ý kiến khuyên nên dán Epass ngay để thuận tiện cho việc đi lại, nhưng lại có ý kiến của Facebooker khuyên nên sử dụng thẻ không dừng Vect bởi hơn 3 năm sử dụng, người này chưa bao giờ bị cản trở khi đi qua trạm thu phí.
Giới chuyên gia nhận định, thu phí không dừng (ETC) có nhiều ưu điểm và lợi thế, tăng cường tính công khai minh bạch trong thu phí BOT, tạo niềm tin cho người sử dụng dịch vụ… Bởi vậy việc chuyển sang thu phí không dừng được chính thức áp dụng từ ngày 1/8 nhận được sự đồng thuận cao.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện Bộ đã kết hợp với các địa phương vận hành thu phí không dừng tại 113 trạm thu phí đủ điều kiện. Trong đó, các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ đều được lắp đặt thu phí không dừng tại tất cả các làn thu phí, bảo đảm chỉ duy trì 1 làn hỗn hợp/1 chiều xe chạy.
Trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai với độ dài 300 km, tại trạm thu phí đầu tuyến ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chủ đầu tư bố trí hai làn ETC cho xe ra, hai làn vào, một làn xử lý sự cố xe khi đi qua đây di chuyển chậm. Một số xe khi đến gần barie không mở, chủ xe buộc dừng lại để mở, kiểm tra tài khoản, khiến các xe sau phải di chuyển chậm.
Tại tuyến cao tốc này, từ đầu tuyến, đơn vị đã bố trí nhân viên phân làn cho xe dán ETC vào cao tốc, xe không có tài khoản được hướng dẫn quay đầu. Khi vào đến trạm thu phí, xe bắt buộc dán thẻ. Các đơn vị thu phí cũng bố trí nhân viên mở tài khoản ETC và dán thẻ cho xe ngay tại trạm.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng giám đốc Công ty vận hành đường cao tốc Việt Nam cho biết, các xe này có thể bị lỗi thẻ và hệ thống đọc, thiếu tiền trong tài khoản... khi đó, chủ xe cần liên lạc đơn vị thu phí để kiểm tra lại thẻ.
Tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội),vào ngày 1/8 tình hình xe qua trạm có lúc đã ùn tắc nhưng đến ngày 2/8, giao thông đã khá thuận tiện. Một tài xế xe taxi có tài khoản Vect cho biết, đi Pháp Vân chỉ cần 15.000 đồng là được mở barie, rất thuận lợi.
Dù vậy, sau 2 ngày triển khai thu phí không dừng, thực tế không phải tại trạm thu phí nào cũng thuận lợi. Trong ngày 2/8, cũng tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ một số xe dù đã dán thẻ, nộp tiền nhưng barie vẫn đột ngột hạ xuống, có xe không phanh kịp đã đâm hỏng barie. Hay tại tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra ùn ứ xe trên tuyến theo hướng từ Đồng Nai qua TP HCM.
Chỉ xử phạt trường hợp cố tình vi phạm
Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho hay, trước mắt sẽ tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu được quyền lợi của mình khi đi trên cao tốc với dịch vụ ETC và chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm.
Ông Đức nêu rõ, theo quy định tại Nghị định 100, sửa đổi bổ sung theo Nghị định 123 có những hành vi sẽ bị xử lý gồm: Không dán thẻ đầu cuối khi đi vào trạm ETC hay số tiền trên tài khoản người dân không đủ để thanh toán.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ để làm sao thuận lợi nhất cho người dân. Lực lượng cảnh sát giao thông tập trung xử phạt vi phạm hành chính qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là hình ảnh, qua đó trích xuất để xử phạt qua thông báo vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành của người dân” - ông Đức nói thêm.
Ông Hồ Trọng Vinh - Phó tổng giám đốc Công ty thu phí tự động VETC, cũng cho rằng quy trình dán thẻ của đơn vị khá chặt chẽ và việc nhân viên hay đại lý kích hoạt khống rất khó.
Sau khi chính thức vận hành thu phí ETC nhiều chủ xe cũng đã thắc mắc vì sao không tích hợp tài khoản giao thông vào tài khoản ngân hàng thay vì việc phải nạp tiền ra một tài khoản giao thông riêng biệt như hiện nay? Ông Bùi Trình - Tổng Giám đốc VDTC cho biết, có 2 lý do không thể tích hợp thẻ giao thông vào thẻ ngân hàng.
Thứ nhất là tốc độ xe qua trạm phải đạt được tối thiểu 3 km/h và khi xe qua trạm như vậy thì nhận diện của trạm sẽ gửi lên trên hệ thống tính cước. Và nếu hệ thống e-banking của các ngân hàng không đủ tốc độ xử lý thì sẽ dẫn đến việc là barrie đóng mở không đúng thời điểm gây ra sự cố cho các phương tiện.
Thứ hai, bản chất tài khoản giao thông theo định nghĩa ở Quyết định 19 chỉ là tài khoản giao thông thôi, chứ không phải là ví điện tử, vì thế chủ phương tiện phải nạp tiền vào thẻ giao thông.
Ông Hồ Trọng Vinh cũng cho biết, ngay từ năm 2015, nhiều đơn vị, khách hàng đã thắc mắc, tại sao ngân hàng không cho họ trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đơn vị triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc và trên thế giới cũng chưa có đơn vị nào trừ trực tiếp trên tài khoản ngân hàng.
“Tài khoản ngân hàng là tài khoản mật của cá nhân, chủ phương tiện, không một đơn vị ngân hàng nào cho phép đơn vị thứ ba truy cập vào hệ thống ngân hàng để lấy tiền của khách hàng. Đây là vấn đề bảo mật của ngân hàng” - ông Vinh nhấn mạnh.