Xuất bản lần đầu năm 1950, “The Story of Art” của tác giả nổi tiếng Ernst Gombrich - một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật - vừa chính thức ra mắt bạn đọc Việt Nam.
Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Lưu Bích Ngọc chuyển ngữ với tựa đề “Câu chuyện nghệ thuật” (NXB Dân Trí và Omega Plus ấn hành) được dàn số trang tương đương với bản gốc tiếng Anh của NXB Phaidon (688 trang), để đảm bảo tương ứng giữa nội dung và hình ảnh minh họa.
Trong 70 năm qua, tác phẩm nổi tiếng của tác giả Ernst Gombrich đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn 8 triệu trên toàn thế giới.
E. H. Gombrich (30/3/1909 – 3/11/2001) là một nhà sử học nghệ thuật gốc Áo và tác giả của nhiều tác phẩm về lịch sử văn hóa, lịch sử nghệ thuật, trong đó nổi bật nhất là “The Story of Art” - một trong những tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả.
Trong “Câu chuyện nghệ thuật”, tác giả đã kể cho người đọc câu chuyện về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, dựa trên những khảo sát và đánh giá của ông về nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo.
Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê các yếu tố lịch sử và nghệ thuật, E. H. Gombrich tập trung lột tả những thay đổi liên tục trong mục đích nghệ thuật để biến chúng thành dòng chảy chủ đạo cho câu chuyện trong cuốn sách, cũng như chỉ ra sự tương đồng hay đối lập giữa các tác phẩm của mỗi thời đại, từ đó mang đến một cái nhìn bao quát về nghệ thuật châu Âu qua từng thời kì.
Tác phẩm mở đầu với câu nói đã trở nên nổi tiếng của Gombrich: "Không có thứ gọi là nghệ thuật. Chỉ tồn tại những nghệ sĩ".
28 chương sách sau đó đưa người đọc vào một cuộc hành trình khám phá sự phát triển của nghệ thuật châu Âu lần lượt qua 5 giai đoạn: Cổ đại và Trung cổ, Phục hưng và Kiểu cách, Chủ nghĩa Baroque và Tân cổ điển, Thế kỷ 19 và Thời đại hiện đại.
Với cái nhìn chân thực từ góc độ phê bình nghệ thuật cùng cách viết mạch lạc, dễ hiểu và nền tảng kiến thức đa dạng, tác giả đã tạo nên một cuốn sách phù hợp cho mọi độc giả yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Từ khi xuất bản, “Câu chuyện nghệ thuật” vẫn tiếp tục duy trì thành công của nó ở vị trí là một tác phẩm kinh điển trong danh sách các đầu sách nghệ thuật tuyển chọn.