Sẽ còn đọng lại rất lâu cảm xúc bàng hoàng của chúng ta khi nghe tin cây cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) bị sập. Có những xe và người đã bị cuốn xuống dòng lũ dữ. Yagi quét qua, là lúc miền núi lại là nơi thiệt hại đau đớn nhất bởi lũ dữ. Trước thiên nhiên con người nhỏ bé, nhưng trước thiên nhiên con người vẫn có sức sống diệu kỳ. Cuộc sống rồi sẽ được tái thiết. Nhưng lúc này, cuộc đời cần yêu thương và những năng lượng tích cực để vượt qua khó khăn, không cần sự chỉ trích, đổ lỗi ở trên mạng xã hội.
Trong khi ở Hà Nội đang có cuộc tranh cãi quyết liệt về cây xanh, thì đúng như dự đoán, sau khi bão quét qua, nơi đang oằn mình gánh chịu lại chính là miền núi phía Bắc. Không trực tiếp hứng bão vào, nhưng ảnh hưởng của bão dẫn đến mưa lớn, đến lũ quét, đến sạt lở lại chính là miền núi. Lũ đã làm sập cả cây cầu ở Phú Thọ.
Hai ngày sau trận bão, những hàng cây xanh dọc Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Bà Triệu và nhiều tuyến phố khác vẫn kiêu hãnh vươn mình. Những cây đổ, cây gãy trong gió bão cũng đã được dọn dẹp về cơ bản. Nhưng tin tức từ phía đầu nguồn thì vẫn đang đổ về, một vùng miền núi phía Bắc đang ngập lụt trong diện rộng. Nước sông Hồng phía đầu nguồn lên nhanh.
Một đồng nghiệp của tôi ở Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn gửi cho xem chiếc clip: Xe của chị đi tác nghiệp ở dưới huyện trên đường về, ngay trước mũi xe, một ngôi nhà đổ sập hoàn toàn ra đường. Chỉ trong tích tắc. Xe chỉ đi nhanh 1 tích tắc là bị ngôi nhà đè lên. Xem clip mà bàng hoàng. Ký ức này sẽ còn rất lâu với những phóng viên trên chiếc xe ấy. May là người trong nhà cũng đã kịp chạy thoát ra khỏi.
Sau bão Yagi, nhiều tàu bè, đầm ruộng, nhà cửa ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… tan hoang, xơ xác. Các vùng lúa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng ngập nặng. Lũ vẫn cuồn cuộn quét qua những triền núi, triền đồi, những ngôi nhà. Nước ngập sâu ở các thành phố, thị xã miền núi… Họ, những người đồng bào sống ở làng quê, miền núi không mấy khi lên mạng xã hội để kể lể. Họ chịu đựng như là bao đời nay vẫn phải sống chung cùng với thiên nhiên. Mà thiên nhiên thì bình thường hiền hòa, nhưng có khi hung dữ.
Không kể những đầm nuôi trồng thủy sản, thì ngay ở Hà Nội, một HTX rau quả sạch ở vùng ngoại thành cũng trong chớp mắt đã trắng tay. 17ha diện tích trồng các loại rau ăn lá, ăn quả và củ, số lượng thu hoạch được cung cấp cho một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội và vài chục bếp ăn tập thể của trường học, nhưng bão Yagi quét qua, mất sạch. Trong đó, rau ăn lá và ăn quả đổ gãy nát; rau muống chìm trong biển nước…
Trong bão, chúng ta chứng kiến có những câu chuyện ấm áp tình người như người đi ô tô đi chậm để cho xe máy núp vào chắn gió. Sau bão, chúng ta chứng kiến những cuộc trở về của những ngư dân sau cả ngày vật lộn với bão trên biển. Cả một quá trình để một con người trở về. “Hét lên một tiếng thật to, bà Mùi lao nhanh về phía chồng mình đang đứng bên kia con đường bao biển. Ôm chầm lấy chồng, hai dòng nước mắt của bà Mùi lăn dài trên má theo từng tiếng nấc nghẹn ngào.” – đó là đoạn tường thuật của báo chí về thời khắc ông Tiến trở về.
Ông Lê Văn Tiến (chồng bà Mùi), trú tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh là thuyền trưởng tàu VT09 của Công ty TNHH Việt Thuận. Trước ngày cơn bão YAGI đổ bộ vào Việt Nam ông Tiến cùng 8 thuyền viên khác đã đưa thuyền VT09 vào bờ neo đậu. 9h sáng ngày 7/9, gió bắt đầu thổi mạnh về từ ngoài khơi, lúc đó ông Tiến cùng các thuyền viên đã sẵn sàng để ứng phó với cơn bão. Tuy nhiên, với sức gió mạnh, đến hơn 12h cùng ngày, khi sóng cuồn cuộn nổi lên kèm theo gió lớn đã đánh dạt con thuyền VT09.
Trong thời khắc sinh tử đó, ông Tiến trên mình mặc áo phao đã kịp thời nhảy lên được một sà lan. Rất may mắn trong cơn thịnh nộ của cơn bão, sà lan đập vào một rìa mũi nhưng lại không chìm. Cơn bão YAGI cũng khiến cho sóng điện thoại thời điểm đó gần như tê liệt. Đến khoảng 23h ngày 7/9, tia hy vọng đã lóe lên khi có một chút sóng điện thoại và ông gọi cho người con trai tên Toàn. Trong cuộc gọi kéo dài khoảng 1 phút ông Tiến cũng chỉ kịp nói vài lời với con trai mình. Sau cuộc gọi đó ông mất tích. Trong đêm trên sà lan, ông Tiến cũng thấy lực lượng cứu trợ đi tuần tra nhưng không có cách nào để liên lạc. Tới gần sáng, có một thuyền chài vô tình phát hiện được sà lan mắc kẹt sau đó gọi điện cho tàu ở trong bờ ra hỗ trợ. Ông Tiến cùng các thuyền viên được giải cứu, trở về đất liền.
Đó là một trong những câu chuyện mà chúng ta được chứng kiến để thấy sức mạnh của thiên nhiên, cũng thấy sự kỳ diệu của sự sống. Vào thời khắc mà bất cứ ai cũng đều thấy và đều nghĩ, chỉ cần được sống đã là hạnh phúc. Chỉ cần được trở về.
Cũng giống như bạn tôi chứng kiến giây phút một ngôi nhà đổ sập ngay trước mũi xe, những nhân chứng của vụ cầu Phong Châu (Phú Thọ) sập ngay trước mắt cũng sẽ còn bàng hoàng rất lâu. Lũ vẫn đang hoành hành cả các tỉnh ven biển lẫn các tỉnh miền núi. Sẽ còn những ngày dằng dặc trước mắt để lũ rút và khắc phục hậu quả.
Và lúc này, một lần nữa tính mạng con người mới là quan trọng. Bao nhiêu đồng bào mình vẫn đang dầm mình trong lũ, bao nhiêu bộ đội, công an và những người làm nhiệm vụ đang phải vất vả ngày đêm. Nội thành Hà Nội, nói thế, dù bão lớn quét qua, cũng vẫn là nơi an toàn và khô ráo nhất. Thế cho nên, những sự kêu ca về nước hắt vào cửa, cái cây ban công bị gãy hay lao vào tranh luận, đay nghiến nhau giữa những ngày này nó cũng không ra làm sao cả.