Giáo dục

Sau ngày 1/7: Lương giáo viên sẽ ra sao?

Lam Nhi 30/05/2024 09:36

Theo quy định về lương mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/7 tới, nhà giáo sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất trong các ngành nghề được hưởng phụ cấp ưu đãi. Cơ chế tiền lương mới cũng được xây dựng theo nguyên tắc tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ.

anh-cover.jpg
Chính sách tiền lương mới được kỳ vọng sẽ cải thiện đời sống giáo viên. Ảnh: Quang Vinh.

Lương cao nhất của giáo viên (GV) hiện nay là hơn 12 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/7/2024, lương GV sẽ có sự thay đổi khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số như hiện nay.

Mong sớm có thông tin chính thức

Tuy nhiên hiện vẫn chưa có thông tin chính thống về dự thảo bảng lương cũng như các chính sách khi thực hiện Nghị quyết 27 khiến nhiều GV lo lắng liệu sau cải cách có giảm lương thực nhận so với mức thu nhập hiện tại hay không.

Cô Vũ Thị Mỹ Hạnh, GV Trường THPT ở huyện Thường Tín, Hà Nội băn khoăn: “Trong bảng lương chuyên môn nghiệp vụ sắp tới sẽ không còn hệ số lương nữa mà chỉ còn bậc và nhóm. Trong trường hợp của cá nhân tôi đang là bậc 7 của hạng III với mức lương 11,9 triệu đồng, khi cải cách thăng lên hạng II bậc 2 lương chỉ có 9,7 triệu đồng, nghĩa là lương giảm đi 2,2 triệu đồng. Hiện chưa có văn bản chính thức nào được ban hành nên tôi vẫn đang chờ” - cô Hạnh nói.

Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) ghi nhận qua tiếp xúc với cử tri. Cụ thể, bà Ánh cho biết sau khi tính toán, nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với mức lương hiện nay của nhà giáo. Cùng một hạng viên chức giống nhau nhưng lương người làm việc lâu năm với lương người mới vào làm được tính giống nhau. Như vậy sẽ không tạo ra được động lực cống hiến giữa các nhà giáo.

Từ đó, bà Ánh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, trước khi ban hành các bảng lương chính thức cần có thông tin để các đối tượng hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác quan điểm, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh việc hoang mang cho đối tượng thụ hưởng không yên tâm công tác.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi thực hiện cải cách tiền lương với công chức, viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung. Bởi Việt Nam đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.

Dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

anh-thay.jpg
Các tân cử nhân trong lễ bế giảng và trao bằng cử nhân năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Xếp lương nhà giáo cao nhất?

Trong Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, vấn đề lương nhà giáo cũng được đề cập cụ thể với nhiều điểm mới. Theo đó, Luật Nhà giáo quy định về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh, bảo vệ nhà giáo nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục.

Đối với chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Quy định nêu trên cùng với một số chế tài khác (các hành vi bị nghiêm cấm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan về nhà giáo, quy định về xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về nhà giáo…) nhằm bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng và bảo vệ nhà giáo dù công tác tại các cơ sở giáo dục trong hay ngoài công lập.

Trả lời báo chí về việc trong dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp ở mức cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp như quy định tại tại Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng năm 2013 liệu có được áp dụng ngay sau khi Luật Nhà giáo được ban hành hay không? Cục trưởng Cục Nhà giáo Vũ Minh Đức cho rằng điều này nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Tuy nhiên, tôi tin rằng khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 27 về tăng lương thì đã có những tính toán dựa trên cơ sở các quy định về chế độ tiền lương” - ông Đức nói.

Cần tính toán kỹ lưỡng

Những năm gần đây, bài toán thiếu GV, đặc biệt là GV một số môn học của chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ngành giáo dục các địa phương ưu tiên giải quyết nhưng vẫn hết sức khó khăn vì nhiều lý do. Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn tuyển, nhiều cử nhân đáp ứng yêu cầu tuyển dụng cũng không ứng tuyển vào các vị trí này vì lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn như nhiều vị trí việc làm khác ở các doanh nghiệp. Nhà trường buộc phải hợp đồng với GV để đảm bảo đủ đội ngũ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn hợp đồng, lương hợp đồng thấp và không có tính ổn định lâu dài nên cũng không thu hút được nguồn nhân lực. Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn trong nhiều lần đăng đàn tại các kỳ họp của Quốc hội cũng chỉ ra hiện nay lương và thu nhập, chế độ chính sách cho đối tượng ký hợp đồng cũng còn có điểm chưa thực sự động viên với người lao động.

Vì vậy, chính sách cải cách tiền lương đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tình trạng này, giúp thu hút đội ngũ GV mới cũng như để những nhà giáo đang công tác yên tâm gắn bó với nghề, không phải bươn chải thêm ngoài giờ lên lớp. ĐBQH Dương Minh Ánh cũng cho rằng việc nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục đã được thảo luận từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là khi nâng lương sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Nếu lấy từ nguồn thu của các đơn vị, ngành y tế và giáo dục sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp công lập này và là gánh nặng đối với người bệnh và người học khi tính đúng, tính đủ các chi phí, bao gồm các chi phí tăng lương, chi phí khám bệnh và học phí của người học, dẫn đến việc người bệnh khi không có bảo hiểm y tế sẽ không dám đến bệnh viện, người học sẽ không đủ tiền để đóng học phí” - bà Ánh nói. Vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Tiền lương mới không thấp hơn lương cũ

anh-box-1.jpg

Theo quy định về lương mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/7 tới đây, nhà giáo là một trong số khoảng 4-5 ngành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Trong đó, phụ cấp ưu đãi theo nghề của GV là ở mức cao nhất trong các ngành nghề được hưởng phụ cấp ưu đãi. Cơ chế tiền lương mới được xây dựng theo nguyên tắc tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ. Trong trường hợp sau khi sắp xếp, tiền lương mới thấp hơn tiền lương thầy cô đang được hưởng thì GV được bảo lưu cho đến khi đáp ứng được yêu cầu của mức lương mới. Vì vậy, GV yên tâm là tiền lương mới chắc chắn cao hơn mức hiện nay được hưởng.

Từ 1/7/2024, 8 khoản phụ cấp GV có thể được nhận bao gồm: phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập là khoản phụ cấp mới trước đây chưa có quy định. Trước khi cải cách tiền lương, các khoản phụ cấp sẽ được tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số. Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ, bảng lương GV được quy định bằng số tiền cụ thể. Như vậy, khi cải cách tiền lương, các khoản phụ cấp trên có thể cũng sẽ được quy đổi ra số tiền cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau ngày 1/7: Lương giáo viên sẽ ra sao?