Hàng ngàn héc ta rừng thông ở Nghệ An đang bị sâu róm tàn phá và có nguy cơ lan rộng.
Tại huyện Nghi Lộc, trong khoảng hơn 1 tháng qua, nhiều khu rừng thông tại các xã Nghi Quang, Nghi Yên… bất ngờ bị nạn sâu róm xâm nhập, cắn phá.
Tình trạng sâu phát triển nhanh, mạnh đã khiến cả một khu vực rừng thông rộng lớn bị trụi lá và nguy cơ lan rộng ra nhiều diện tích khác.
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, từ giữa tháng 7 đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 300 ha rừng thông phòng hộ bị sâu róm cắn phá.
Mật độ sâu khoảng 350-400 con/1 cây thông. Đặc biệt, sâu róm ăn trụi lá tại khu vực rừng La Nham, dọc đường D4 thuộc khoảnh 2, tiểu khu 959 xã Nghi Yên; khoảnh 1, tiểu khu 960; đồi 200 thuộc khoảnh 1, tiểu khu 960B và khoảnh 1, tiểu khu 960C.
Ngoài ra, có 450ha diện tích rừng bị nhiễm sâu róm ở mức độ trung bình với mật độ sâu khoảng 150-200 con/1 cây thông. Các khu rừng này phân bố đều tại rừng Rú Tuần, Tùng Sơn, Cửa Mỏ...
Theo kết quả điều tra của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, các khu vực rừng này đã bị sâu róm non thế hệ III/2024 với tuổi sâu từ 1-6 tuổi xâm hại, trụi cành lá.
Ngoài 2 khu vực nói trên còn có khu vực rừng thông tại các xã Nghi Đồng, Nghi Hưng, Nghi Lâm... cũng bị nạn sâu róm xâm hại với mật độ sâu khoảng 10-30 con/1 cây. Những khu vực rừng thông này có sâu non từ 1-6 tuổi xâm hại.
Việc bị sâu cắn phá ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây thông và cả khu rừng.
Sau khi phát hiện rừng thông bị sâu róm phá hoại, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc đã triển khai phun thuốc phòng trừ sâu bảo vệ thực vật. Tính đến hiện tại, có hơn 142 ha rừng được phun thuốc phòng trừ sâu.
Ông Trần Văn Trường, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc cho biết, nguyên nhân xuất hiện dịch sâu róm là do thời gian vừa qua thời tiết trên địa bàn xuất hiện nhiều sương mù, nắng mưa đan xen, độ ẩm cao tạo điều kiện lý tưởng cho sâu sinh trưởng nhanh, mạnh.
Cũng theo ông Trường, vòng đời của sâu róm kéo dài khoảng 50 ngày. Hiện sâu đã bắt đầu đóng kén chuẩn bị vòng đời mới. Đơn vị đang chuẩn bị đèn và các vật dụng làm các điểm đèn để bẫy bắt sâu trưởng thành nở ra bướm.
“Nếu không khống chế được nạn sâu róm, để sâu tiếp tục phát triển và ăn lá nhiều chu kỳ sẽ nguy hại đến cây thông", ông Trường nói.
Trong khi đó, tại huyện Yên Thành, qua thống kê hiện có hơn 351 ha rừng thông bị nhiễm sâu. Dự báo, cuối tháng 9/2024, sâu róm sẽ sinh trưởng mạnh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Trước thực trạng này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành đã tập trung nguồn nhân lực để phun phòng, phun trừ 3 đợt trên toàn bộ diện tích rừng thông.
Nhưng do chiều cao cây cây thông từ 20-25m, khiến việc phun thuốc gặp rất nhiều khó khăn nên hiệu quả phun chỉ đạt 60-70%.
Liên quan đến dịch sâu róm, ngày 26/8, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu một số ngành liên quan, các địa phương có rừng thông chuẩn bị đủ vật tư, máy móc, nhân lực để thực hiện phun phòng, trừ hiệu quả đối với sâu róm thế hệ IV theo phương án đã được phê duyệt.
Đồng thời, ông Đệ yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt kiểm lâm có rừng thông phối hợp với các đơn vị liên quan, điều tra phát hiện, khoanh vùng diện tích nhiễm sâu để phòng trừ có hiệu quả.
Ban Quản lý rừng phòng hộ phối hợp với các chủ rừng rà soát, tổng hợp nhu cầu, gửi Sở NNPTNT trình UBND tỉnh Nghệ An xem xét cho chủ trương hỗ trợ kinh phí và nhân công để thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng.
Toàn tỉnh Nghệ An đang có khoảng 1.723,6ha rừng thông bị nhiễm sâu róm. Trong đó có 601 ha nhiễm nặng, 342,6ha bị sâu gây xơ trụi lá. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã tổ chức phun phòng và phun trừ được trên 1.072ha, tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Đô Lương...