Cuối năm 2018, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên đã ký hàng loạt thỏa thuận quân sự lớn, trong đó có hợp đồng cung cấp 10 tổ hợp S-400 trị giá tới 5,4 tỷ USD.
Hệ thống phòng không S-400 khai hoả trong một cuộc diễn tập của quân đội Nga. (Ảnh: Sputnik).
Hôm 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết một số thiết bị trong hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã được chuyển giao cho Ankara trong 4 ngày qua và sẽ được triển khai đầy đủ vào tháng 4/2020.
Phát biểu tại sân bay Ataturk ở thủ đô Istanbul, nhân dịp 3 năm vụ đảo chính bất thành hồi năm 2016, Tổng thống Erdogan cho biết 8 máy bay đã vận chuyển các bộ phận của hệ thống S-400 của Nga và nhiều thiết bị khác đang được chở đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga đã làm gia tăng căng thẳng với các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ. Nước này đã cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt.
Tương tự, sau thỏa thuận cung cấp S-400 giữa Nga và Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cảnh báo với phía Ấn Độ về việc hợp đồng giữa Moscow và New Delhi có thể ảnh hưởng tới hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ, cũng như việc Ấn Độ có thể bị trừng phạt theo quy định của Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ (CAATSA).
Tuy nhiên, bất chấp những đe dọa của Mỹ, sau thương vụ thành công giữa Moscow và Ankara, giới phân tích tin rằng cả Nga và Ấn Độ cũng sẽ quyết tâm thực hiện hợp đồng mua S-400.
Phó chủ tịch Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc phòng Nga (FSMTC), ông Vladimir Drozhzhov mới đây khẳng định, với những thỏa thuận đã ký, Nga đang chờ phía Ấn Độ tạm ứng cho hợp đồng cung cấp S-400 dự kiến vào cuối năm 2019. Nếu mọi việc thuận lợi, lô trang bị S-400 đầu tiên sẽ tới quốc gia Nam Á này vào cuối năm 2020 và hoàn thành trước năm 2025.
S-400 là hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga, có khả năng đánh chặn mục tiêu bay ở khoảng cách lên đến 400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km.
Ngoài ra, hệ thống phóng của S-400 có thể dùng được ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn, cho phép nó bắn hạ nhiều mục tiêu khác nhau. Theo RT, một sư đoàn S-400 có thể hạ gục 36 mục tiêu cùng lúc.