Sẽ chấm dứt tình trạng 'tù mù' cổ vật

Minh Quang 26/08/2016 09:35

Nghị định 61/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7, trong đó có nội dung quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật vừa được Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) tổ chức tập huấn triển khai.

Sẽ chấm dứt tình trạng 'tù mù' cổ vật

Chợ phiên đồ cũ tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên có một Nghị định qui định cụ thể, chi tiết về việc kinh doanh giám định cổ vật. Nhà quản lý hi vọng công tác giám định cổ vật ngày càng được chuyên nghiệp hóa. Nhưng xem ra đây vẫn là một thị trường trao đổi - mua bán ngầm.

Theo đó, cơ sở kinh doanh giám định cổ vật phải bảo đảm 4 điều kiện: Có kho lưu giữ, bảo quản hiện vật giám định; Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký; Có nguồn tài liệu về cổ vật để tham khảo, phục vụ hoạt động giám định cổ vật; Có ít nhất 3 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ VHTT&DL.

Nghị định cũng nêu rõ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật được cấp lại trong các trường hợp: Bị mất hoặc bị hỏng; có sự thay đổi thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật đã cấp. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật bị thu hồi trong các trường hợp: Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật không còn đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này.

Dẫu vậy cho tới thời điểm này, trong nước vẫn rất hiếm các đơn vị kinh doanh giám định cổ vật chuyên nghiệp. Trước khi có NĐ 61, Dấu Xưa được coi là đơn vị đầu tiên đáp ứng đủ mọi điều kiện hoạt động trong lĩnh vực giám định cổ vật (theo Quyết định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật số 229/QD-VHTT&DL, ngày 21/3/2013).

Cho đến trước khi có NĐ 61, kết quả giám định từng hiện vật của đơn vị này được cấp Chứng chỉ giám định cổ vật theo tinh thần Thông tư 22/2011/TT-BVHTTDL.

Trên thực tế, tại TP Hà Nội, TP HCM và những đô thị lớn, càng ngày thú chơi cổ vật ngày càng sôi động. Tính từ năm 1999 kể từ khi Hội Cổ vật Thăng Long – Hà Nội ra đời, đến nay cả nước đã có hơn 10 Hội cổ vật phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước. Nhưng việc mua bán cổ vật trao tay dường như vẫn còn rất phổ biến, mà ở đó người chơi cổ vật thường giám định bằng cảm tính là chính.

Vì vậy, trong vòng vài năm qua ở một số địa phương rộ lên chiêu lừa trong quá trình đào móng công trình xây dựng, bắt được cổ vật, bán cho người chơi với giá “hữu nghị”.

Thậm chí ngay cả những cửa hiệu bán đồ thủ công mỹ nghệ, đồ cổ, đồ giả cổ, hàng nhái cùng được trà trộn nhằm “đánh lận con đen”. Nhiều nơi còn qua mặt các cơ quan chức năng bằng cách đánh bóng, làm mới đồ cổ. Khi đánh lừa khách hàng, cửa hàng lại “phù phép” cho đồ mới thành đồ cổ như: ngâm xác chè cho đồ gốm, axit cho đồ đồng, bôi hắc ín, đất cát cho đồ đá, ngâm nước, phơi sương đồ gỗ…

Trước khi có NĐ 61 nói trên, TS Phạm Quốc Quân- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, nhiều cửa hàng đang muốn trốn thuế dưới dạng nhà sưu tập cũng như “nhập nhằng” để lừa gạt người chơi cổ vật mới, ít hiểu biết.

Ông Quân cho rằng, dù đã có một Thông tư hướng dẫn về việc thành lập các cửa hàng cổ vật với những tiêu chuẩn về định lượng, định tính rất rõ ràng. Nhưng hiện nay, kể cả TP Hà Nội và TP HCM, chưa có một cửa hàng đạt được tiêu chuẩn theo tinh thần Thông tư 22, chứ chưa nói đến tinh thần NĐ 61 vừa có hiệu lực ở trên.

Cũng chính vì sự tù mù, nhập nhằng ở thị trường cổ vật nói chung và trong việc giám định cổ vật nói riêng, nên câu chuyện “bùng” đấu giá cổ vật cách đây ít lâu đã khiến không chỉ người trong giới quan tâm.

Điều này minh chứng cho sự thiếu chuyên nghiệp trong thị trường đấu giá thì đã hẳn, nhưng cũng góp phần làm giảm giá trị của việc mua bán, đấu giá cổ vật. Theo phân tích của nhà sưu tập Nguyễn Minh, sở dĩ có những tồn tại nói trên âu cũng bởi ngoài những qui định về mặt luật pháp còn những vấn đề liên quan đến con người, rồi nhận thức, văn hóa…

Theo nhận định của các chuyên gia, sự tù mù lớn nhất trong bức tranh toàn cảnh về cổ vật Việt Nam có lẽ là thuộc về lĩnh vực giám định. Việc định giá mua bán gặp không ít trở ngại do chưa có những thước đo giá trị thực của cổ vật, tác phẩm để làm căn cứ mà chỉ đơn thuần là sự thỏa thuận giữa hai bên.

Theo chia sẻ của TS Phạm Quốc Quân, việc giám định về giá trị khoa học, giá trị kinh tế chưa được thực hiện do thiếu chuyên gia, thiết bị… Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều đại gia thiếu hiểu biết tốn hàng chục tỉ đồng mà không hay chúng là đồ giả.

Hi vọng, sau khi NĐ 61 với những qui định cụ thể về kinh doanh giám định cổ vật đi vào cuộc sống, thị trường cổ vật sẽ dần tươi sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ chấm dứt tình trạng 'tù mù' cổ vật