Sáng 18/3 tại Thanh Hóa, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XI tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước về Quyết định kiểm toán Chuyên đề trong vòng 60 ngày với 5 đợt.
Theo đó, nội dung kiểm toán là kiểm toán Chuyên đề về việc điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Chuyên đề việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023 tại tỉnh Thanh Hóa (Quyết định kiểm toán Chuyên đề).
Tham dự hội nghị, có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng; Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực XI Đoàn Chiến Thắng; đại diện lãnh đạo các vụ tham mưu trực thuộc KTNN và KTNN khu vực XI.
Tham dự buổi công bố Quyết định, về phía tỉnh Thanh Hóa có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi; các cơ quan thường trực Tỉnh ủy, HĐND, Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh; Đại diện lãnh đạo Sở, ngành, đơn vị được kiểm toán: Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Kho bạc Nhà nước; Đại diện các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý dự án, đầu tư xây dựng các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu của cuộc kiểm toán nhằm đánh giá tính trung thực, hợp lý của thông tin, số liệu điều tiết, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển kinh tế xã hội và số liệu, thông tin tài chính của các dự án; đánh giá việc tuân thủ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa về điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách còn bất cập, phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với chuyên đề việc quản lý, cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023, mục tiêu nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và cho thuê đất công ích của địa phương; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Xác định tính trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính ngân sách địa phương, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành của đơn vị được kiểm toán; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.
Phát biểu tại buổi công bố Quyết định kiểm toán Chuyên đề, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho rằng, đây là cuộc kiểm toán lồng ghép các quyết định của KTNN. KTNN không những chỉ ra những sai sót mà luôn đồng hành với các địa phương. Trong quá trình kiểm toán, chỉ ra những bất cập trong cơ chế, chính sách để điều chỉnh kịp thời. Mặt khác, quá trình kiểm toán, KTNN sẽ cập nhật chính sách mới truyền đạt với các địa phương.
Thay mặt đơn vị được kiểm toán, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ sự cảm ơn đối với KTNN đã luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đất đai, tài sản công của tỉnh Thanh Hóa. Địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao để các đơn vị phối hợp với KTNN để thực hiện tốt nhiệm vụ. Bên cạnh những mặt tốt cần phát huy, đối với những bất cập sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với KTNN để kịp thời điều chỉnh.
Về thực hiện quyết định kiểm toán lần này, tỉnh Thanh Hóa xin tiếp thu toàn bộ các nội dung, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp để hoàn thành tốt công tác kiểm toán chuyên đề này. Ông Thi nói.
Theo Kế hoạch kiểm toán, cuộc kiểm toán sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày với 5 đợt. Thời gian kiểm toán bắt đầu từ 18/3/204 tới 16/5/2024 tại 4 sở ngành: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường; 14 địa phương gồm: Thành phố Thanh Hóa, Thành phố Sầm Sơn, Huyện Ngọc Lặc, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Yên Định, Nga Sơn, Như Xuân, Hoằng Hóa, Thị xã Nghi Sơn, Huyện Triệu Sơn, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thường Xuân. Thời gian kiểm toán chia thành nhiều đợt khác nhau, trong đó thời gian thực hiện kiểm toán ngắn nhất là 10 ngày, dài nhất là 19 ngày.