Chỉ là sân chơi khu vực, nhưng những tấm huy chương dù là màu gì cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của các VĐV. Tất cả đã chịu quá nhiều hy sinh, nỗ lược vượt khó để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Đô cử Vương Thị Huyền.
Nữ đô cử tặng HCV cho bố mẹ đã mất
Ở ngay ngày thi đấu chính thức đầu tiên của SEA Games, đô cử Vương Thị Huyền đã có chiến thắng thuyết phục trước đối thủ số 1 người Indonesia, giành tấm HCV cử tạ đầy thuyết phục ở hạng 45 kg. Sự “mở hàng” ấn tượng này đã giúp đội tuyển cử tạ Việt Nam có một kỳ SEA Games thành công, khi giành tổng số 4 HCV – vượt gấp đôi chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường.
Tấm HCV của Vương Thị Huyền không chỉ là chiến thắng đơn thuần trong thể thao, mà còn là chiến thắng của nghị lực phi thường.
Huyền là một cái tên không quá xa lạ đối với những người yêu thích và thường xuyên theo dõi các cuộc thi của đoàn cử tạ Việt Nam. Đô cử người Bắc Giang là một người đặc biệt khi giành những thành công ở các đấu trường trong nước, châu Á và thế giới, nhưng lại chưa một lần hưởng niềm vui tại các kỳ SEA Games. Những điều không may vẫn đeo đuổi Vương Thị Huyền khi ngay trước lúc lên đường tham dự SEA Games, chị đã đón nhận “tin dữ” là cha đột ngột qua đời. Lúc ấy, Vương Thị Huyền vẫn còn đang tập huấn ở Trung Quốc. Trước đó vài năm, Huyền đã mất người mẹ thân yêu của mình. Đây là một cú sốc tâm lý rất lớn, gây ảnh hưởng không ít tới tinh thần của Vương Thị Huyền, nhưng chị đã nén nỗi đau và biến nó thành động lực để cố gắng.
Sau khi giành HCV, bước lên bục nhận huy chương, cả Vương Thị Huyền và đối thủ đều òa khóc. Đối với VĐV người Indonesia đó là những giọt nước mắt tiếc nuối vì bị mất ngôi số 1, còn với Huyền lại là những giọt nước mắt hạnh phúc khi trên tay cô là chiếc HCV và lá cờ Tổ quốc đầy tự hào cùng những cảm xúc mà cô phải kìm nén trước những biến cố xảy ra để hoàn thành phần thi thật tốt.
Huyền đã khóc rất nhiều trong nhà thi đấu. Nữ lực sĩ quê Bắc Giang nghẹn ngào chia sẻ: “Lúc này đây tôi chỉ nghĩ đến bố mẹ đã mất của mình. Tôi đã thực hiện được lời hứa là giành HCV SEA Games. Tôi muốn tặng tấm huy chương này cho bố mẹ đã mất. Bố mẹ ơi, bố mẹ có thể mỉm cười khi con đã chinh phục được HCV”.
Tấm HCV là phần thưởng cho ý chí kiên cường, sự quyết tâm và nỗ lực vượt qua khó khăn của Vương Thị Huyền, nhưng chắc chắn đô cử này sẽ chưa dừng lại: Ở phía trước vẫn còn mục tiêu rất lớn là giành vé tham dự Olympic 2020.
Hoàng Thị Duyên.
Trái ngọt dành cho cô gái dân tộc Giáy
Sau khi Vương Thị Huyền “mở hàng”, cử tạ Việt Nam tiếp tục mang thêm niềm vui về cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 với tấm HCV của VĐV Hoàng Thị Duyên ở hạng cân 59 kg. VĐV sinh năm 1996 đã đạt tổng cử lên tới 210 kg và bỏ xa các đối thủ còn lại để bước lên bục cao nhất nhận giải.
Khi quốc ca Việt Nam vang lên, Hoàng Thị Duyên đã không kìm nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Đây là “trái ngọt” sau mười năm khổ luyện của cô gái tới từ Lào Cai.
Hoàng Thị Duyên là người dân tộc Giáy. Cô bén duyên với cử tạ khi mới chỉ 13 tuổi. Theo tiết lộ của Duyên thì gia đình không khá giả nên bố mẹ muốn cô theo sự nghiệp học hành thay vì thể thao, tuy nhiên, niềm đam mê cháy bỏng đã thôi thúc Duyên hàng ngày “cuốc bộ” hơn 10 cây số để tới tập luyện tại Trung tâm Thể dục thể thao của tỉnh.
Năm ngoái, Hoàng Thị Duyên từng gây sửng sốt tại giải vô địch cử tạ thế giới diễn ra tại Ashgabat, Turkmenistan khi giành HCB đầy bất ngờ. Và ngày hôm nay, nữ VĐV người Lào Cai tiếp tục gặt hái được thành công tại đấu trường khu vực. Thành tích tại SEA Games 30 còn giúp Hoàng Thị Duyên nâng cao khả năng được góp mặt tại Olympic Tokyo 2020. “Tôi rất vui mừng, sau bao ngày tháng tập luyện đã giành được thành quả là chiếc HCV cho đoàn TTVN. Bố mẹ tôi theo dõi trực tiếp ở nhà cùng với HLV địa phương. Xin cám ơn bố mẹ đã ủng hộ, tin tưởng con, đồng hành cùng con trong chặng đường dài, cám ơn mẹ rất nhiều. Trước đó bố mẹ không đồng ý, không ủng hộ. Tôi thuyết phục bằng cách tập luyện, đi thi đấu nhiều ở các giải quốc gia, mang thành tích về để bố mẹ thấy con mình có khả năng và sau đó bố mẹ đồng ý… Một năm chỉ về được 1-2 lần, đó là khó khăn nhất lúc tôi vào nghề. Mỗi cuối tuần các bạn được về nhà, tôi thì ở lại, tủi thân, khóc nhiều nhưng sau đó đã quen dần, thích nghi và vượt qua nỗi cô đơn. Nhờ các HLV, bạn bè động viên bằng cách đưa tôi về nhà chơi để lấy không khí ấm cúng gia đình cho tôi vơi đi nỗi nhớ” - nhà vô địch SEA Games kể lại.
Cuarơ Đinh Thị Như Quỳnh.
Chiến công của bà mẹ một con
Sáng 1/12, SEA Games 30 chính thức tranh tài. Cuarơ Đinh Thị Như Quỳnh (Bình Dương) đã trở thành VĐV đầu tiên giành HCV cho đoàn TTVN khi về nhất ở nội dung băng đồng. Về thứ hai cũng là VĐV Việt Nam - Cà Thị Thơm (Sơn La).
Bước vào cuộc đua với địa hình khắc nghiệt, Thái Lan dẫn đầu, sau đó 2 VĐV chủ nhà Philippines vượt lên. Bám đuổi quyết liệt là 2 VĐV Việt Nam. Tuy nhiên cả 2 VĐV của nước chủ nhà đều đuối sức khi nước rút, đây cũng chính là cơ hội tốt để 2 VĐV của Việt Nam vượt lên, về đích ở 2 vị trí nhất và nhì.
Từng tham dự nhiều kỳ SEA Games nhưng đây là tấm HCV nhiều cảm xúc nhất với Như Quỳnh. Ít ai biết rằng trước đại hội, VĐV đội xe đạp Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương đã phải xa chồng và con 5 tuổi nhiều tháng trời để khổ luyện.
Dù xuất thân là VĐV băng đồng nhưng vài năm trở lại đây Quỳnh lại thi đấu ở nội dung đường trường. Chính vì thế, để thi đấu ở SEA Games, cuarơ 27 tuổi đã phải tập trung cùng đội tuyển xe đạp địa hình Việt Nam từ tháng 4 tập huấn tại Tam Đảo.
“Tôi đã phải xa chồng con gần năm trời, nhớ lắm, nhiều lúc chỉ biết khóc. Nhưng theo nghiệp thể thao là vậy, thiệt thòi, đánh đổi nhiều đã quen rồi” - Như Quỳnh nghẹn ngào chia sẻ sau tấm HCV.
Với tố chất tuyệt vời, và trên hết là nỗ lực hết sức mang vinh quang về cho Tổ quốc, bà mẹ một con đã có chiến thắng đầy xứng đáng.
VĐV Phạm Thị Hồng Lệ.
Xót thương hình ảnh VĐV Việt Nam phải thở bằng bình oxy
Ngay sau khi hoàn thành đường đua nội dung marathon sáng 6-12, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ đã được đưa ngay vào phòng y tế để chăm sóc, hồi sức bằng bình oxy.
Với quãng đường hơn 42km dưới thời tiết nắng nóng, nội dung marathon thực sự khắc nghiệt. Có 7 VĐV nữ tham dự ở nội dung này tại SEA Games, nhưng khi về đích chỉ có 5 người, còn 2 người phải bỏ cuộc.
Những người về đích dù là đứng đầu hay vị trí nào thì cũng rơi vào tình trạng kiệt sức. VĐV Phạm Thị Hồng Lệ của Việt Nam đã phải nhờ sự chăm sóc của nhân viên y tế. Cô đã mất quá nhiều sức cho cuộc đua đường dài. Sau đó, Phạm Thị Hồng Lệ cũng phải rất vất vả mới di chuyển được ra khu vực nhận huy chương.
VĐV quê Bình Định nói: “Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu tôi bị chuột rút và phải thở bằng oxy khi về đích. Cung đường ở đây dốc, cộng với thời tiết khắc nghiệt khiến thành tích của tôi không như mong muốn. Dù vậy, tôi vẫn vui vì những gì mình nỗ lực hôm nay. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, giành được huy chương là niềm hạnh phúc.
Trong môn marathon, điền kinh là nội dung khó nhất, đòi hỏi các VĐV phải có sức bền để có thể thi đấu dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt và quãng đường hơn 42 km. Việc Phạm Thị Hồng Lệ giành HCĐ là rất đáng khen ngợi, và tấm huy chương dù có màu gì cũng được đánh đổi bằng rất nhiều thứ.