Sen tàn, cúc lại nở hoa

Luật sư Lê Đức Tiết 11/07/2015 10:30

20 năm trước, những người lạc quan nhất cũng không thể ngờ được rằng sự tan băng trong quan hệ Mỹ-Việt đã diễn ra với những kết quả vượt mong đợi đến vậy. Kết quả này không phải bỗng nhiên mà có. Những người thức thời của hai nước Việt - Mỹ đã dày công vun đắp trong thời gian dài mới có hoa thơm, quả ngọt như hiện nay.

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939-1945) bùng nổ. Việt Nam đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Ở phía Đông bán cầu, phát xít Nhật chiếm đóng Mông Cổ, Triều Tiên, Trung Quốc. Ngày 22/9/1940, Nhật tiến quân vào Đông Dương. Pháp đầu hàng, dâng Đông Dương cho Nhật. Nhân dân Việt Nam tiến hành chiến tranh chống Nhật. Vào năm 1942, Cụ Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh yêu cầu Đồng minh giúp Việt Nam chống Nhật. Vào thời gian này có một số máy bay Mỹ bị Nhật bắn hạ, phi công nhảy dù xuống Việt Bắc. Các phi công Mỹ đã được Việt Minh cứu thoát, chăm sóc và trao lại cho phía Mỹ.

Ngày 29/3/1945, Cụ Hồ Chí Minh hội kiến với tướng Sen – nôn, Chỉ huy quân đoàn không quân số 14 của Mỹ ở Côn Minh, Trung Quốc. Sự hợp tác giữa Việt Minh với Mỹ được định hình. Việt Minh đã cung cấp cho phía Mỹ nhiều tin tức có giá trị chiến lược về hoạt động của quân Nhật.

Vào tháng 4/1945, Mỹ thả dù toán đặc nhiệm của cơ quan tình báo chiến lược, được gọi là “Đội Con Nai” xuống vùng chiến khu do Việt Minh kiểm soát để phối hợp hoạt động. Mỹ đã cung cấp điện đài, một số vũ khí bộ binh và huấn luyện quân sự cho Việt Minh. Trong các đơn vị quân khởi nghĩa có một số người Mỹ cùng tham gia hoạt động. Người dân gọi họ là “bộ đội Việt Mỹ” và họ xuất hiện ở đâu đều được dân chúng chào mừng, tiếp đón thân thiện. Những người Mỹ trong Đội Con Nai là những sứ giả đầu tiên kiến tạo mối tình hữu nghị giữa hai nước Mỹ-Việt.

Cách mạng tháng 8-1945 của Việt Nam thành công. Chính phủ Cách mạng được thành lập. Với tư cách Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 1 tháng 11 năm 1945, tức sau khi trở về thủ đô Hà Nội 2 tháng, Cụ Hồ Chí Minh liền gửi cho Ngài Giêm Biếc-nơ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ bức thư với nội dung: “Thưa Ngài, Nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp. Trong suốt nhiều năm nay họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam.

Tôi thành thực hy vọng kế hoạch này sẽ được thuận lợi nhờ sự chấp nhận và giúp đỡ của Ngài, và nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài những lời chúc tốt đẹp nhất”.

Tiếp đến từ ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi nhiều bức thư cho Tổng thống Tru-man với nội dung bày tỏ Việt Nam mong muốn được thiết lập quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ. Rất tiếc là các bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được gửi đi mà không được phúc đáp.

Tướng Mỹ Phi-líp Ga-la-gơ, Trưởng Phái bộ Mỹ tại Tây Thái Bình Dương gửi tường trình về Mỹ khẳng định rằng Nguyễn Ái Quốc là Cộng sản, người của Đệ Tam quốc tế. Bởi vậy cho dù Việt Nam đã chủ động và tìm mọi cách để thiết lập các mối quan hệ bình thường với nước Mỹ, nhưng đã bị phá hỏng bởi tư tưởng chống cộng dưới thời 9 đời Tổng thống (TT): Tru-man, Ai-xen-hao-ơ, Ken-nơ-dy, Ních-sơn, Giôn-sơn, Ford, Các-tơ, Ri-gân, Gioóc Bút. Thời kỳ thù địch này kéo dài trong suốt 50 năm, kể từ ngày 12/4/1945 - ngày Tru-man bước chân vào Nhà Trắng đến ngày 3/2/1994 - ngày TT Bin Clin-tơn tuyên bố bãi bỏ một phần cấm vận đối với Việt Nam.

Giới diều hâu Mỹ không ngờ rằng cuộc chiến tranh tàn bạo của Mỹ chống lại Việt Nam đã làm nẩy sinh ngay trong lòng nước Mỹ một phong trào chống chiến tranh ngày càng rộng lớn, ngày càng quyết liệt. Nó thức tỉnh lương tri, thu hút đông đảo giới khoa học, trong số có cả những người đã được Giải thưởng No-ben, các chính khách, giới văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên và đông đảo nhân dân lao động Mỹ phản đối chiến tranh.

Ngày 2/11/1965, Nóc-man Mo-ri-sơn, người cha của ba đứa con nhỏ đã tự thiêu tại nơi cách chỗ làm việc của Mắc Na-ma-ra – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vài chục bước chân. Râu-giơ La-póc-tơ, một công dân Mỹ 22 tuổi, tự thiêu trước trụ sở Liên Hợp Quốc. Các vụ tự thiêu phản chiến của Nóc-man Mo-ri-sơn, Râu-giơ La-póc-tơ là cú sốc gây chấn động lớn trong xã hội Mỹ. Võ sĩ lừng danh thế giới Mô-ha-mét A-li đã thẳng thừng từ chối lệnh gọi nhập ngũ. Ông nói: “Tôi không có gì để chống lại Việt Nam. Tôi không cãi nhau với Việt Nam. Không người Việt Nam nào gọi tôi là mọi đen cả”. Toà án Mỹ đã tuyên phạt A-li 5 năm tù giam, 100.000 USD, tước đai vô địch, thu hồi giấy phép thi đấu và mọi danh hiệu. Nhưng A-li không nao núng.

Càng leo thang, phong trào phản chiến càng lan rộng. Hàng trăm sinh viên Trường Đại học Ken bang Ô-hai-ô bãi khóa, xuống đường biểu tình. Vệ binh quốc gia được điều đến đàn áp làm 4 sinh viên bị bắn chết, 9 sinh viên bị thương. Vụ đàn áp đã gây phẫn nộ trong nhân dân Mỹ. Các trường đại học Mỹ bị tê liệt. Hàng ngàn sinh viên từ chối quân dịch và lánh ra nước ngoài. Chàng sinh viên Bin Clin-tơn, về sau trở thành TT Mỹ, là một trong số đó. Hàng ngàn cựu chiến binh đã ném trả lên thềm nhà Quốc hội Mỹ những huân chương mà họ đã được ban thưởng. Nhân dân Mỹ đã nhận ra chiến tranh Việt Nam là phi nghĩa.

Điều gì phải đến tất đến.

Ngày 3/2/1994, TT Bin Clin-tơn tuyên bố bãi bỏ một phần cấm vận với Việt Nam. Ngày 17/1/2000 TT Bin Clin-tơn cùng vợ và con gái đến thăm Việt Nam. Ông là TT Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam, sau 25 năm, đúng ¼ thế kỷ, kể từ khi chiến tranh Mỹ - Việt chấm dứt từ năm 1975. Trong lần nói chuyện trước sinh viên Việt Nam, ông đã trích dẫn hai câu trong truyện Kiều Việt Nam:

“Sen tàn, cúc lại nở hoa
Đêm dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”

Dư luận Việt Nam rất hứng thú và không kém phần ngạc nhiên trước hiện tượng một TT Mỹ, một người phương Tây mà am hiểu tường tận truyện Kiều của một nước phương Đông đến thế. Từ trong áng thơ văn nổi tiếng của Việt Nam, ông đã chọn lựa và trích dẫn ra được hai câu thơ hợp cảnh, hợp thời, hợp người để vận dụng vào bối cảnh đương thời của mối quan hệ Mỹ - Việt. Qua việc trích dẫn hai câu thơ trong truyện Kiều, TT Bin Clin-tơn muốn đưa ra một thông điệp rằng các cơ hội đã qua đi, những bước đi chậm chạp, những điệu kèn ngập ngừng đã khép lại. Giờ đã đến lúc hai nước Mỹ - Việt hãy chung sức xây dựng mùa xuân hữu nghị.

Không thể không đồng ý với ẩn ý nhưng rất rõ ràng của ngài TT thứ 42 của nước Mỹ. TT Bin Clin-tơn còn tuyên bố: “Chúng tôi vinh dự được cùng các Ngài viết nên một chương mới trong quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam và chúng tôi biết ơn vì chương sử mới này đã có một khởi đầu tốt đẹp. Quả thực lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chứng ta không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai. Quá khứ không phải là cái quyết định tương lai”.

Trong chuyến thăm Mỹ bắt đầu ngày 6/7 của TBT Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai bên cũng đều bày tỏ lạc quan về chiều hướng phát triển quan hệ giữa hai nước. Trong buổi chiêu đãi phái đoàn Việt Nam, Phó TT Mỹ Giôn Bai-đơn đã trích dẫn hai câu thơ trong truyện Kiều để mô tả viễn cảnh đó:

“Trời còn có để hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Chiều hướng diễn biến của quan hệ Mỹ - Việt ngày càng được tốt hơn vì thành quả này không phải bỗng nhiên mà có, vì nó được xây đắp và thử thách qua một quá trình lâu dài bởi những người có lương tri. Sau những đám mây đen, bầu trời lại hửng sáng. Nhân dân hai nước Việt – Mỹ hân hoan vui mừng và hoàn toàn tin tưởng vào những cơ hội mới, vận hội mới đang đến với nhân dân hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sen tàn, cúc lại nở hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO