Khi người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc mua sắm online trở thành xu hướng tất yếu trong thời điểm này. Cũng vì thế, nghề shipper “lên ngôi” và lượng đơn đặt hàng cũng mau chóng tăng vọt. Tuy nhiên, mặc dù “kiếm bội tiền” nhưng nhiều shipper vẫn lo lắng trước nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19.
Trước đó, Hà Nội có văn bản yêu cầu từ 12h ngày 25/5/2021, tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống dừng bán tại chỗ, chỉ cho phép bán hàng mang về; không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu phải tạm dừng hoạt động.
Thành phố cũng vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Đơn hàng đồ ăn tăng chóng mặt...
Chỉ thị mới của thành phố đã làm thay đổi thói quen của nhiều người, thay vì ra hàng quán để ăn uống thì giờ đây, việc đặt đồ ăn online và chờ shipper giao đến tận nhà đã trở thành một xu thế.
Không khó để nhìn thấy những ngày này, sự xuất hiện của các shipper mặc áo Grab, Now, Be hay Baemin tràn ngập các cửa hàng và trên nhiều tuyến phố. Tất cả đều trở nên tất bật trước số lượng đơn đặt hàng đồ ăn tăng chóng mặt.
Trao đổi với chúng tôi, Anh N.T., nhân viên shipper của ứng dụng giao đồ ăn Now chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh bùng phát, số lượng đơn đặt đồ ăn tăng vọt, có khi một ngày lên đến 30 đơn, trong khi trước dịch, mình chỉ giao từ 5-7 đơn là nhiều”.
Cùng chung suy nghĩ đó, anh N.B.N. cho rằng, thời điểm dịch bệnh khiến số lượng đơn hàng anh nhận được đều duy trì ổn định, thậm chí vào giờ cao điểm, đơn hàng “nổ” liên tục có khi lên tới 40 đơn mỗi ngày. Nhờ đó, thu nhập từ việc giao hàng cũng tăng khá nhiều.
Cụ thể: “Đối với ứng dụng Now, mỗi đơn hàng shipper sẽ phải chi phí cho Now là 23%, phần còn lại là thu nhập của shipper. Những ngày này, nếu trừ bỏ chi phí ăn uống, đi lại, trung bình một shipper có thể kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng, nếu chăm chỉ chạy chở khách thêm ngoài giao đồ, thì có thể có thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng”.
Còn B.D.V., (sinh viên năm 3) tranh thủ làm nghề shipper để kiếm thêm thu nhập, thì chia sẻ: “Thu nhập những ngày này của mình đến từ việc giao đồ ăn cho khách, so với ngày trước dịch tăng khoảng 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Riêng thời gian nghỉ trưa nếu chăm chỉ chạy có khi còn hơn chạy xe cả ngày rồi.”
... nhưng khách đi lại giảm
Là một trong những “đối tượng” hiếm hoi được ra đường giữa dịch Covid-19, nhiều người sẽ nghĩ đây là cơ hội để các shipper “hái ra tiền” thế nhưng thực tế lại không phải vậy.
Trong thực tế, dịch vụ giao đồ ăn tăng cao nhưng số lượng "đơn" đã bị giảm đáng kể so với thời gian trước dịch Covid-19, đặc biệt là các "đơn" đồ đạc, hàng hóa hay đơn giản là khách đặt xe. Đây là điều dễ hiểu bởi lẽ khi người dân hạn chế tối đa việc di chuyển, nhu cầu mua sắm cũng trở nên không thật sự cần thiết.
Anh N.D.T., một shipper ở khu vực Cầu Giấy chia sẻ: “Dịch bệnh thế này các trường đại học cho sinh viên học online nên phần đa các bạn ấy về quê hết, do đó đã làm mất đi một bộ phận khách lớn”.
Nói về số lượng khách đặt xe, anh N.D.T. cũng cho biết thêm: “Trước dịch chạy xe bình thường mỗi ngày nhiều trung bình được tầm 20 cuốc, chứ bây giờ dịch thế này, hiếm người đi lắm, hôm nào nhiều lắm mới được khoảng 12 cuốc là căng rồi”.
Chưa kể, nhiều người ở ngành nghề khác cũng chuyển sang làm shipper để khắc phục tình trạng thất nghiệp tạm thời. Sự gia nhập của những shipper mới cộng thêm số lượng đơn hàng bị chia cho nhiều người làm mức độ cạnh tranh cao hơn trước đây, thu nhập của các shipper cũng vì thế mà bấp bênh.
“Vì vừa chở khách vừa giao đồ nên thời điểm này thu nhập cũng khá bấp bênh, đơn đặt hàng giao đồ thì tăng đấy nhưng khách đi lại giảm, thành ra tổng thu nhập cũng tăng lên không đáng kể”. Anh N.T., shipper của một cửa hàng quần áo trên đường Trường Chinh ( Đống Đa, Hà Nội) nói.
Nỗi lo về dịch bệnh
Trước khi dịch bệnh xảy ra, những người làm nghề shipper đã có nhiều nỗi lo. Anh N.D.T. tâm sự: “Chạy xe, rồi ship đồ ăn đến nay cũng được 3 năm rồi, nhưng mà vẫn có nhiều cái mình vẫn luôn lo lắng: Sợ gặp phải những đối tượng nghiện ngập, bị đe dọa, bị cướp đồ, bùng hàng,... Nay thêm dịch bệnh nữa, không đi làm thì đói mà đi làm thì sợ nhiễm bệnh!”.
Mặt khác, số lượng đơn đặt hàng thường tăng vọt vào giờ cao điểm nên nhiều hàng quán có số lượng shipper đến lấy hàng quá đông, mặc dù được yêu cầu đứng cách 2 m nhưng thực tế có nhiều lúc shipper phải chen chúc lấy hàng là điều không tránh khỏi.
Nhiều tài xế phải miễn cưỡng xếp hàng trong sự lo lắng.
Thêm vào đó, thời tiết Hà Nội những ngày này nắng nóng gay gắt, giữa trưa nắng nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Đến giờ cao điểm, lượng đơn dồn dập cộng với thời tiết nắng nóng khiến nhiều shipper dường như kiệt sức.
Trao đổi với các công ty cung cấp dịch vụ giao hàng về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, được biết tất cả các shipper đều được yêu cầu đeo khẩu trang khi làm việc, nhiều đơn vị còn trang bị cả nước rửa tay và dung dịch sát khuẩn cho nhân viên. Điều này vừa bảo vệ an toàn cho nhân viên vừa mang đến sự yên tâm cho khách hàng.
Anh N.D.T. cho biết: “Bây giờ đi ship hàng cho khách bắt buộc phải đeo khẩu trang đầy đủ, mình luôn chuẩn bị sẵn cả nước rửa tay để đảm bảo an toàn”.
Thậm chí, nhiều shipper cũng tự trang bị cho mình những bí kíp giao hàng khá đặc biệt như: Gửi lễ tân hoặc treo đồ trước cửa nhà, giao đồ qua khe cửa, đặt đồ trước cửa nhà rồi gọi khách xuống lấy. Nhờ đó, có thể hạn chế tối đa việc tiếp xúc.
Dịch vụ giao hàng online trở thành xu hướng mới trong đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội giúp các shipper giữ được công việc ổn định, có thu nhập ổn định và không lâm vào cảnh thất nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Do đó, cả shipper và khách nhận hàng cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.