Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Vấn đề lãng phí nguồn lực, tính kỷ luật tài chính chưa nghiêm đã được nhiều đại biểu đề cập.
Minh bạch tối đa các dự án đầu tư công
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các danh mục, dự án, mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư và khả năng huy động vốn khác để thực hiện.
Theo ông Mai, cần nghiêm túc thực hiện đúng nguyên tắc tiêu chí phân bố của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm khắc phục triệt để tồn tại hạn chế trong khâu bố trí vốn khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.
Từ thực tế tình trạng liên kết, phát triển vùng còn lỏng lẻo, ông Mai cho rằng, một phần do hạ tầng giao thông; nhất là hạ tầng giao thông đường bộ chưa thực sự thuận lợi để tạo điều kiện kết nối vùng, làm cho vùng chưa phát huy được lợi thế.
“Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần đẩy mạnh xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ”, ông Mai kiến nghị.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), báo cáo của Chính phủ cho thấy, có tổng số 3.476 dự án thuộc diện chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong số đó còn lại hơn 1.000 dự án chưa phân bổ cụ thể. Điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, tính kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Câu chuyện về cơ chế xin cho không biết bao giờ mới kết thúc.
Từ đó bà Mai kiến nghị, “Chính phủ cần rà soát, chỉ đạo hệ thống pháp luật về kinh tế. Trong trường hợp có hạn chế cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi. Đối với Quốc hội cần kịp thời rà soát điều chỉnh, kịp thời đưa vào chương trình phối hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện, sớm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa hệ thống pháp luật nhất là trong lĩnh vực kinh tế”.
Đưa ra dẫn chứng những lá đơn và ý kiến của người dân trong những cuộc tiếp xúc cử tri về thực trạng đầu tư kém hiệu quả đã trở thành nỗi trăn trở lâu nay trong xã hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu vấn đề: “Những câu hỏi về tiến độ thực hiện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, không ít công trình dự án nghìn tỷ đắp chiếu, thua lỗ, chưa hoàn thành đã hỏng, cần phải siết chặt kỷ luật ngân sách, tránh lãng phí đầu tư công, cân đối thu chi, giảm chi thường xuyên”.
Thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, nhiều công trình dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai thực hiện, hoặc chậm tiến độ chất lượng chưa đảm bảo gây lãng phí thất thoát gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Do đó, bên cạnh siết chặt kỷ luật ngân sách, ông Bình đề nghị, cần quan tâm đến kỷ luật, thời gian, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đảm bảo chất lượng hiệu quả chống lãng phí thất thoát.
Xóa bỏ tình trạng nợ tiêu chí
Trong buổi sáng ngày 27/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, thời gian qua diện mạo nông thôn trên cả nước có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.
Tuy nhiên, theo ông Hải, tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới chưa cao; cần tiếp tục với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn vẻ đẹp của nông thôn.
Cũng bàn về chương trình xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, việc lãnh đạo, xây dựng và triển khai các nội dung giải pháp trong giai đoạn mới thì phải hướng đến tiêu chí cao hơn về chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa, xóa bỏ tình trạng nợ tiêu chí, nợ đọng xây dựng cơ bản. Đây là căn nguyên của bệnh chạy theo thành tích ở một số địa phương. Do đó theo bà Trang, cần tiếp tục phát huy tính tự giác, tự nguyện của nhân dân trong quản lý và xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) nhìn nhận: “Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 như thế này chính nhờ công nghệ thông tin mà ở vùng sâu, vùng xa, người dân cập nhật được diễn biến tình hình để nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là chủ quan và cũng nhờ đó trẻ em vùng sâu, vùng xa không đến trường nhưng không dừng học. Chính vì thế, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông, ưu đãi cho các dự án đầu tư nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ”.
Còn đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, quy trình công nghệ, ứng dụng kết quả vào chuỗi giá trị sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó quan tâm bố trí nguồn kinh phí theo hướng tăng dần qua các năm để thực hiện chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện tốt chính sách với người có công là tình cảm thiêng liêng
Nhân kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), sáng 27/7 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Quốc hội gửi đến các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc. Theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
“Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, và giám sát việc thực hiện chính sách người có công để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.