Siết chặt nợ công

T.Hằng 18/01/2017 09:10

Dự thảo Luật Quản lý nợ công vừa được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi cho thấy quyết tâm hơn trong việc cơ cấu lại nợ công.

Đảm bảo an toàn nợ công là một nhiệm vụ trong năm 2017.

Theo Dự thảo, các Bộ, ngành ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhu cầu huy động, sử dụng nguồn vốn ODA phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và sử dụng vốn ODA, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó báo cáo đề xuất bao gồm các nội dung sau: Sự cần thiết của việc huy động, sử dụng nguồn vốn ODA; Mục tiêu, quy mô đầu tư, các hạng mục dự án và kết quả đầu ra; Cơ chế tài chính đối với việc sử dụng vốn ODA, trong đó xác định rõ để đầu tư phát triển trong kế hoạch ngân sách hay để cho vay lại các chương trình dự án; tỷ lệ cấp phát ngân sách và cho vay lại chương trình, dự án. Đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng sinh lời và khả năng hoàn trả nợ. Trường hợp sử dụng phần vốn ngân sách nhà nước để trả nợ cần đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Dự thảo luật cũng đưa ra nhiệm vụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thẩm định báo cáo đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng vốn ODA. Và căn cứ vào tổng mức vay và trả nợ hàng năm được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định khối lượng công cụ nợ phát hành tại thị trường vốn trong nước.

Không những cụ thể hóa việc vay, Dự thảo Luật cũng ghi rõ quy định sử dụng vốn ODA: Đối với các chương trình, dự án hoặc hạng mục thuộc đối tượng cấp phát ngân sách nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp trong dự toán ngân sách chi đầu tư phát triển, trình cấp có thẩm quyền quyết định;không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên.

Đối với các chương trình, dự án thuộc đối tượng cho vay lại, Bộ Tài chính thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại (hoặc ủy quyền) theo quy định tại Luật này và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đối với khoản vay bằng tiền trực tiếp cho ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp trong dự toán Ngân sách Nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc sử dụng nguồn vốn ODA phải đảm bảo chặt chẽ, có hiệu quả. Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương vay lại nguồn vốn ODA có trách nhiệm bố trí vốn trả nợ. Các địa phương, tổ chức tài chính - tín dụng vay lại nguồn vốn ODA có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho Bộ Tài chính.

Dữ liệu từ Bộ Tài chính cho biết, cơ cấu dư nợ công bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,3%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 18,2% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,5%. Đối với nợ Chính phủ, nợ trong nước chiếm khoảng 58% và nợ nước ngoài chiếm 42% tổng nợ Chính phủ, phù hợp với định hướng chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Khoảng 94% danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ là các khoản vay ODA, vay ưu đãi có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi và quy mô huy động tương đối ổn định.

Và năm 2017, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhiệm vụ trọng tâm của năm sẽ việc tiếp tục tái cơ cấu NSNN, đảm bảo an toàn nợ công theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cần được tập trung triển khai không chỉ trong năm 2017 mà trong cả nhiệm kỳ.

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng cũng nêu rõ, căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017 được giao, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các tỉnh, thành phố thuộc trung ương phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới bảo đảm chi ngân sách nhà nước, bao gồm cả chi từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi, được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao; chống thất thoát, lãng phí, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chặt nợ công