Với sự phát triển của nền tảng số, bán hàng qua mạng xã hội đang trở thành một kênh hữu ích. Tuy nhiên, người tiêu dùng được đánh giá luôn ở vị trí yếu thế trong các giao dịch trực tuyến.
Là “tín đồ” sưu tập đồ cổ, đặc biệt là đồng hồ cổ nên khi thấy một kênh Youtube đăng bán đồng hồ cổ anh Nguyễn Xuân Vinh (Đống Đa, Hà Nội) đã đồng ý trả 20 triệu đồng để mua 1 chiếc. Dù trước đó chủ kênh đã cam kết sẽ hoàn lại tiền, thậm chí bồi thường nếu khách hàng phát hiện đó là hàng giả, tuy nhiên khi nhận đồng hồ đưa đi thẩm định biết đó là đồ giả anh Vinh quyết định trả lại nhưng bị chủ kênh từ chối mà không đưa ra bất kỳ lý do nào.
Quá bực tức anh Vinh có ý định thuê luật sư đồng thời báo vụ việc lừa đảo với ngành chức năng. Tuy nhiên sau khi đi tư vấn luật sư, nhìn thấy chặng đường khiếu kiện quá mệt mỏi anh Vinh đành tặc lưỡi bỏ qua.
Báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cũng cho thấy, số vụ lừa đảo tại Việt Nam trong năm 2021 là 87.000 vụ, gây thiệt hại 374 triệu USD. Theo số liệu của Bộ Công thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Đề cập đến những rủi ro của người tiêu dùng trên môi trường mạng, theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, trong thương mại truyền thống thì việc quản lý chất lượng hàng hóa đã rất khó, mặc dù người mua được trực tiếp mục sở thị đối với hàng hóa nhưng cũng không dễ mua được hàng thật. Giao dịch trên không gian mạng - không gian ảo càng khó để quản lý về chất lượng hàng hoá. Việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên các gian hàng điện tử là rất phổ biến, nhiều người tiêu dùng trở thành nạn nhân và bị sập bẫy của các gian hàng ảo.
“Chúng tôi cũng tiếp nhận rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng là hàng hóa trên không gian mạng rất đẹp, rất tốt, quảng cáo hấp dẫn nhưng thực tế rất kém chất lượng. Tuy nhiên người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu trong các giao dịch, có sự bất cân xứng thông tin với người bán” - ông Hùng cho biết.
Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có hơn 70% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).
Mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam được dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010 là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu dùng hiện nay.
Cùng với đó Bộ Công thương cũng đã tổ chức cho hơn 12 nghìn lượt người tham gia tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiếp nhận hơn 15.000 cuộc gọi qua tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838… Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đổi mới, sáng tạo để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), trước sự phát triển nhanh và mạnh của TMĐT đòi hỏi chúng ta cần có sự thay đổi. Các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trước đây đã có ở nhiều mảng khác nhau nhưng có sự chồng chéo và thực hiện chưa tốt. Nhìn vào con số các vụ khiếu nại vì hoạt động thương mại trên không gian mạng tăng lên tới 1.600 vụ/năm chứng tỏ, trong hoạt động TMĐT, hoạt động trái pháp luật phát triển khá nhanh. Trong hoạt động TMĐT, một người có thể bán hàng trên nhiều nền tảng khác nhau với nhiều tên khác nhau, thậm chí có thể thay đổi tên hàng hóa chỉ bằng một dấu chấm. Điều này đặt ra yêu cầu về quản lý chất lượng và hoạt động kinh doanh cũng cần có sự thay đổi.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng hi vọng TMĐT nói riêng và kinh tế số nói chung có sự phát triển nhanh mạnh hơn. Đó là làm sao cho tới 2025 kinh tế số phải chiếm 25% tổng GDP, tức là 90 tỷ/400 tỷ USD/năm.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), khi mua hàng trước hết người tiêu dùng phải xác định được mặt hàng đã mua có thuộc đối tượng được điều chỉnh hay không, căn cứ xác định đồ dởm ở đây là gì. Đồng thời, cần xác định được thông tin chính xác (tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật...) của tổ chức, cá nhân kinh doanh đã bán mặt hàng này. Tiếp đến, cần cung cấp bằng chứng xác thực về giao dịch mua bán, thanh toán với tổ chức, cá nhân này. Khi phát hiện vụ việc, người tiêu dùng gọi đến Tổng đài Tư vấn hỗ trợ 1800-6838 để được hỗ trợ.