Ngày 25/9 các phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đăng tải nội dung của Quy định 205-QĐ/TƯ vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Vấn đề này cũng lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Việc ban hành Quy định đã cụ thể hóa hành vi chạy chức chạy quyền; để từ đó đưa ra các khung khổ để xử lý hành vi này, kể cả người chạy chức, chạy quyền lẫn người bao che, tiếp tay cho hành vi ấy.
Nói đến chuyện ban hành quy định nêu trên là bởi dù đã có nhiều quy định liên quan vấn đề kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ nhưng thời gian qua chuyện này vẫn chưa thể chấm dứt. Dù rằng, ai cũng hiểu không phải tất cả những trường hợp được bổ nhiệm, tái bổ nhiệm và luân chuyển đều nhờ chạy chức, chạy quyền. Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, số ít ấy lắm khi lại làm khuynh đảo công tác bố trí cán bộ ở một ngành, một lĩnh vực hay một địa phương. Mà một khi đã mất tâm sức để chạy và chạy được, nhiều khi người ta nghĩ chuyện thu hồi khoản đầu tư hoặc giả đơn giản hơn, họ cũng muốn có một ê kíp nhằm củng cố quyền lực mà mình đang nắm giữ. Chính điều đó đặt ra bài toán chống chạy chức chạy quyền gắn với kiểm soát quyền lực.
Quy định mới của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Tất cả những ai liên quan đến công tác cán bộ đều sẽ thấy bóng dáng mình được nêu trong quy định; thậm chí cụ thể đến cả những việc phải làm, những việc không được làm. Nếu có sai phạm thì phải xử lý, sai phạm liên quan đến công tác cán bộ, ngoài xử lý theo quy định chung còn phải chịu những hình thức xử lý nặng hơn nữa để làm thế nào khắc phục cho được tình trạng chạy chức chạy quyền, tình trạng người nhà, người thân trong công tác cán bộ. Đây là vấn đề đang nóng hiện nay, là vấn đề dư luận xã hội đang rất bức xúc.
Cụ thể, trong quy định đã có những điều khoản về xử lý việc chạy chức, chạy quyền; điều khoản về việc bao che chạy chức, chạy quyền và quy trách nhiệm rất rõ ràng cũng như quy định xử lý. Theo đó, quy định nêu rõ: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo Quy định hiện hành. Nếu là cán bộ đang công tác tuỳ theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như: Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp uỷ, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động... “Nhưng, vấn đề quan trọng nhất ở đây là quản lý cán bộ thế nào, theo dõi cán bộ ra sao. Nếu không biết cán bộ sai phạm là vì theo dõi, quản lý cán bộ không chặt, không sát. Ngược lại nếu biết cán bộ sai phạm mà không xử lý thì vấn đề là nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý. Cái gốc của công tác cán bộ là làm thế nào để chọn đúng người, bố trí đúng việc, để phát huy hết sở trường của cán bộ”- chuyên gia về xây dựng Đảng Nguyễn Đức Hà nhận định.
Quy định đã có, giờ là lúc thực hiện. Nhiều chuyên gia đã đưa ra các hệ giải pháp như: Tăng cường thi tuyển; công khai minh bạch trong công tác cán bộ, trong đó có việc công khai, minh bạch cả trong tuyển dụng lẫn bổ nhiệm; rồi có giải pháp đề nghị nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Tất cả những giải pháp ấy đều chính xác nhưng cũng cần nói thêm, tất cả sẽ vấn chỉ là giải pháp trên giấy nếu vấn đề này không được người đứng đầu quan tâm, thực hiện.
Trong thực tiễn những năm qua, chúng ta cũng đã phát hiện ra không ít trường hợp cán bộ được bổ nhiệm thần tốc như ở Quảng Nam, Đà Nẵng; hay trường hợp cả họ làm quan như ở một số địa phương khác. Sau khi phát hiện, các cấp ủy đảng lại ráo riết sửa sai. Tất nhiên có sửa có hơn nhưng phải chi đừng sai ngay từ đầu thì sẽ không phải sửa sai. Nhưng rõ ràng ở những địa phương có tình trạng này thời gian vừa qua, dường như vai trò cấp ủy đã có biểu hiện lu mờ mà thay vào đó là vai trò của người đứng đầu. Đương nhiên cũng phải nhìn từ 2 phía làm sao để không chỉ đổ trách nhiệm cho 1 người, dù đó là người chịu trách nhiệm chính. Là bởi, nếu trong cấp ủy có nhiều tiếng nói phản biện chắc chắn tác dụng sẽ lớn hơn và việc phát huy dân chủ sẽ có tác dụng tốt hơn. Người đứng đầu có thể bỏ qua một ý kiến phản biện nhưng sẽ phải suy nghĩ khi có rất nhiều những ý kiến phản biện. Những vụ việc vừa qua cho thấy rõ việc tự vô hiệu hóa và yếu bản lĩnh chính trị của cấp ủy ở các địa phương, đơn vị có tình trạng chạy chức, chạy quyền. Bằng Quy định mới này, các cấp ủy, nhân dân có thêm bảo kiếm để đấu tranh với nạn chạy chức chạy quyền. Vấn đề còn lại chỉ là có đủ dũng khí để đấu tranh hay không?