Siết chứng chỉ ngoại ngữ: Ngăn chặn những biến tướng

Dung Hòa 07/09/2023 05:50

Cuối tháng 8 vừa qua, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho hay sẽ đánh giá lại việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt có nhiều ý kiến ủng hộ, đồng tình vì cho rằng sẽ công bằng với học sinh mọi vùng miền.

Học sinh luyện ngoại ngữ để thi chứng chỉ.

Mỗi trường áp một “chuẩn” riêng

Khoảng 5 năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh, được ưa chuộng trong tuyển sinh. Hiện các chứng chỉ này được dùng chủ yếu trong xét miễn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (ĐH). Theo quy định, Bộ GDĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Trong xét tuyển ĐH, hàng chục trường dùng IELTS, TOEFL... để tuyển đầu vào. Tuy nhiên, các trường không dùng kết quả miễn thi của Bộ GDĐT mà quy đổi chứng chỉ theo thang điểm riêng, kết hợp với điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT để tính điểm xét tuyển. Việc này đã gây tranh cãi thời gian qua, nhiều giáo viên, học sinh cho rằng không hợp lý, công bằng. Đây chính là lý do mà Bộ GDĐT sẽ xem xét lại.

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) phân tích, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ. Về những tồn tại trong hoạt động quản lý thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ông Chương cho rằng nhiều địa phương chưa sát sao, không thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Bộ GDĐT. Điều này dẫn tới việc nhiều đơn vị phải hoãn thi IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác hồi tháng 9/2022, gây lộn xộn và ảnh hưởng quyền lợi người thi.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương) cho biết, chứng chỉ quốc tế là căn cứ đáng tin cậy để xác định năng lực ngoại ngữ của sinh viên. Hiện nhà trường công nhận kết quả chứng chỉ quốc tế trong cả xét tuyển đầu vào, đầu ra và miễn một số học phần ngoại ngữ. Quy định này cũng được nhiều trường ĐH tại Việt Nam, cả công lập và tư thục, áp dụng, nhưng mỗi trường sẽ có tiêu chuẩn riêng.

Xem xét động lực học ngoại ngữ

Ở trong nước chứng chỉ ngoại ngữ được ưa chuộng như vậy, song trình độ ngoại ngữ của người Việt Nam đang ở đâu? Theo một thống kê mới nhất từ nguồn Báo cáo “Dữ liệu điểm thí sinh IELTS toàn cầu 2022”: Điểm thi IELTS trung bình của người Việt là 6.2. Cụ thể, so với trung bình của thế giới, người Việt có kết quả bài thi Đọc và Viết cao hơn, nhưng Nghe và Nói thấp hơn. Số điểm thí sinh Việt Nam đạt nhiều nhất là 6.0, chiếm 22% tổng số người được nhận chứng chỉ. Tiếp đó là mức 6.5 IELTS với 19% người thi đạt được.

TS Lại Thị Phương Thảo - Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia tuyển sinh cũng có chung nhận định, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được công nhận rộng rãi trên thế giới. Nhiều ĐH có các chương trình liên kết, giao lưu, giảng dạy nhiều môn học bằng tiếng Anh, giảng viên du học ở nước ngoài về cũng tăng lên. Theo đó, chuẩn quốc tế được thí sinh và các trường chuộng là dễ hiểu. Dẫu thế, việc học ngoại ngữ không phải lúc nào cũng cần đến chứng chỉ. Quan trọng là người học xác định được mục tiêu, động lực và có ý thức tự nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình.

Phân tích của các chuyên gia cho thấy, chứng chỉ ngoại ngữ là cần thiết, nhưng cần phải ngăn chặn những “biến tướng” phi lý, tràn lan liên quan tới chứng chỉ quốc tế như: Quy đổi IELTS thành giải thưởng Học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, xét tuyển thẳng vào trường chất lượng cao/chuyên/chọn bằng IELTS đối với học sinh tiểu học, THCS... Những sự “méo mó” này dẫn tới việc cả xã hội đổ cả núi tiền vào học và thi IELTS từ bậc tiểu học, trong khi chính đơn vị tổ chức thi còn khuyến cáo chỉ dành cho học sinh trung học 15-16 tuổi trở lên.

Theo chuyên gia tư vấn giáo dục Bùi Khánh Nguyên, thời gian qua, một số trường chỉ dùng duy nhất điểm IELTS để đặc cách tuyển thẳng thí sinh vào trường đại học có thể là dễ dãi, vì duy nhất điểm tiếng Anh không phản ánh mức độ sẵn sàng của sinh viên đại học, cũng như đủ chính xác để dự báo mức độ thành công của sinh viên trong việc học đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chứng chỉ ngoại ngữ: Ngăn chặn những biến tướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO