Siết lại kỷ cương

Hoài Vũ 07/07/2016 13:10

Không phải cụ thể là chuyện con cá mè nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví von như thế về một hiện tượng nảy sinh trong công chức, trong phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 6 vừa qua. Cái mà người đứng đầu Chính phủ nhắc đến chính là siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính được tóm lại trong 6 chữ “không được cá mè một lứa”. Và ngay hôm 5/7, Chính phủ đã  ban hành Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định 6 hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm pháp luật t

Siết lại kỷ cương

(Ảnh minh họa).

Nhớ lại 3 năm trước, Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội được đọc trước Quốc hội cũng là thời điểm đang cho ý kiến về Hiến pháp sửa đổi 2013-một bản Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền công dân, nhưng cũng siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính nhà nước với tinh thần “cơ quan nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép, còn người dân được làm những việc pháp luật không cấm”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền trong bài phát biểu kéo dài gần 20 phút đã đặt vấn đề: GDP tăng trưởng 5,4% nhưng lại thất thu ngân sách hơn 63.000 tỷ đồng, như vậy có sự mâu thuẫn. Con số có thể làm sai lệch đánh giá và đưa tới giải pháp không trúng. Và theo ông Quyền, trong điều kiện kinh tế khó khăn, người dân mất việc nhiều, càng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương pháp luật. “Chỉ đạo của Chính phủ là tuyệt đối không khởi công công trình mới khi không cân đối được ngân sách, nhưng nhiều ngành, địa phương vẫn tiếp tục khởi công. Đáng nói ở chỗ họ lơ đi chỉ đạo của Chính phủ, mà lại không bị phạt gì. Kỷ luật, kỷ cương không nghiêm thì lòng dân không yên. Đó là nói không đi đôi với làm”- ông Quyền đưa ra những ví dụ trong bức tranh thực thi công quyền.

Tuy nhiên, câu chuyện không nằm ở chuyện thất thu ngân sách hơn 63.000 tỷ đồng, hay những “tối hậu thư” của Chính phủ không được những bộ, ngành, địa phương lắng nghe; mà nó gióng lên hồi chuông về kỷ cương của bộ máy hành chính Nhà nước. Những chiếc cổng chào hoành tráng, những nhà văn hóa tiền tỷ nằm “phơi nắng phơi sương ít có bóng người”, hay những phong trào xây trụ sở to lớn của các địa phương trong khi ngân sách khó khăn, nợ công lớn, trong bối cảnh đất nước đang thắt lưng buộc bụng, chống tham nhũng, lãng phí. Đó là những minh chứng trong kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, mà những người thực thi công vụ rất có thể đang tận hưởng từ tiền thuế của dân song không bị xử lý.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ là yếu tố cần thiết và quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị. Là thước đo để người dân thực hiện chức năng giám sát đối với thái độ, nền nếp làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Thực tế cho thấy, kể cả cán bộ cao cấp cũng làm việc phi pháp vì kỷ cương không nghiêm; trong khi lẽ ra, cơ quan nhà nước là khu vực được đánh giá cao, tín nhiệm cao, vẫn có người khoác áo Nhà nước lại hành động vô lối, bởi những sai phạm của họ không được xử lý nghiêm.

Hình ảnh những con dê của hộ nghèo đi “lầm đường lạc lối” vào nhà lãnh đạo huyện; những con gà cứu trợ bỗng dưng lạc vào nhà lãnh đạo xã; hay những cân gạo cứu đói đang làm “no bụng quan chức địa phương” chỉ là phác họa thêm cho bức tranh khiến nhiều lĩnh vực quản lý yếu kém, nhưng kỷ cương kỷ luật không nghiêm.

Tình trạng cửa quyền chậm được khắc phục, kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành sự chỉ đạo điều hành chưa nghiêm. Một khi kỷ cương tiếp tục lỏng lẻo thì hiệu quả điều hành sẽ không thể nâng cao, lòng tin của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước sẽ không thể cải thiện. Vì thế, việc Chính phủ đặt vấn đề “tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý nhà nước là hoàn toàn có cơ sở và cấp thiết hiện nay”. Đã đến lúc phải đề cao cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân về công việc được giao phó, cần thiết phải đưa ra khỏi các cơ quan nhà nước những người không đạt các tiêu chí đề ra, không có khả năng hoàn thành công việc cụ thể được giao. Và điều này không khó và hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta thực sự có quyết tâm xây dựng một bộ máy quản lý vững mạnh có kỷ luật, kỷ cương.

“Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; cho thôi việc”- 6 hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm pháp luật thi hành án hành chính vừa được Chính phủ đưa ra là một trong nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra nhằm siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính nhà nước. Nói đến kỷ cương cũng chính là từ cán bộ, là từ con người. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng răn dạy “có cán bộ tốt việc gì cũng xong”. Vì thế phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc bồi dưỡng cán bộ, trong đó có vai trò của các cấp ủy Đảng là biện pháp then chốt vào lúc này. Bởi khi đã bị bệnh “nan y” có chữa cũng chưa chắc khỏi như trong đấu tranh trong chống “giặc nội xâm” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nói: “Giải pháp đã có rồi, bệnh bắt đã trúng rồi, nhưng quan trọng có uống thuốc hay không?”. Và đó là vấn đề cần được siết chặt để không ai còn phải “uống thuốc” khi “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì khi phải “uống thuốc” cũng làm suy giảm đi lòng tin của nhân dân với bộ máy công quyền nhà nước- những người khoác áo pháp luật trong thực thi công vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết lại kỷ cương