Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách từ Trung ương tới địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, một số nơi lại lợi dụng ngân sách phòng, chống dịch để gian lận, nâng khống giá trị gói thầu trong mua sắm các thiết bị y tế. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần phải siết chặt mua sắm công.
Ông Trần Văn Lâm.
PV: Ông có suy nghĩ gì về việc thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện tại một số tỉnh, thành phố có những việc bất thường trong mua sắm thiết bị y tế?
Ông Trần Văn Lâm: Từ trước đến nay, tiêu cực trong mua sắm công vẫn luôn diễn ra. Tuy nhiên, thường chỉ những vụ đặc biệt lớn và nghiêm trọng, dư luận và người dân mới quan tâm chú ý. Trong giai đoạn này, cả nước đang dồn sức chống dịch. Nhà nước huy động tối đa các nguồn lực vừa chống dịch, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Những hành động trên tương phản với hình ảnh toàn dân đang chung sức đồng lòng chống dịch, tạo nên sự bức xúc trong xã hội. Giữa lúc bao nhiêu công sức của đội ngũ y, bác sĩ, những con người quên cả tính mạng của mình để lo cho đất nước, nhân dân, người bệnh, thì một vài bác sĩ có chức sắc, là những người mua sắm lại trở thành “con sâu bỏ rầu nồi canh”, làm hoen ố hình ảnh thầy thuốc trong giai đoạn này, hình ảnh đẹp nhưng bị bôi nhọ thật là rất đau xót.
Vậy phải chăng chúng ta đang có những lỗ hổng lớn trong mua sắm công, thưa ông?
-Rõ ràng ở đây có những lỗ hổng nên mới bị lợi dụng. Bây giờ cần công khai minh bạch. Doanh nghiệp nào chào bán sản phẩm đều giới thiệu giá sản phẩm của mình trên mạng cả. Các hệ thống giá trên thị trường đều công khai, vậy tại sao chúng ta lại không có cơ chế, biện pháp để quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công từ tiền ngân sách? Do đó phải rà soát lại các quy chế, quy định liên quan đến quản lý, sử dụng mua sắm tài sản công, đặc biệt là vấn đề đấu thầu và chỉ định thầu. Hiện có lỗ hổng là lợi dụng “tình huống cấp bách” để chỉ định thầu, đội giá lên mấy lần. Nhưng bên cạnh đó kể cả trong đấu thầu, dư luận xã hội cũng băn khoăn, xôn xao về việc một vài nhà thầu thông thầu, dựng lên kịch bản đấu thầu để “hợp thức hóa” các phi vụ mua sắm tài sản trong các chương trình, dự án mua sắm công bằng tiền ngân sách nhà nước.
Luật Đấu thầu quy định mua sắm tập trung để chống bị lợi dụng, mỗi địa phương mua một kiểu, một giá khác nhau nhưng tại sao đến nay vẫn chưa ngăn chặn được. Vậy lỗ hổng ở đâu, thưa ông?
-Mua sắm tập trung sẽ thống nhất giá cả ở tất cả các địa bàn. Thế nhưng có bất cập là không đảm bảo tính kịp thời. Ví như trong chống dịch cần có ngay máy móc, nếu mua sắm tập trung, dồn hết vào một chỗ để mua sau đó mới cấp phát cho mỗi địa phương thì lúc đó dịch qua mất rồi còn đâu? Cho nên trong những trường hợp cấp bách không thể thực hiện mua sắm tập trung như luật quy định. Và họ lợi dụng trường hợp cấp bách để không mua sắm tập trung. Không mua sắm tập trung cho nên mỗi nơi một phách, mỗi nơi một giá. Tới đây tôi cho rằng trong những trường hợp này, chúng ta phải đặt ra một vài quy định.
Ví dụ, trong những trường hợp chỉ định thầu thì chỉ áp dụng đối với sản phẩm dịch vụ đã có quy định về giá trần của Nhà nước. Nếu chỉ định thầu, dứt khoát giá phải dưới giá trần đó, chứ không thể để người ta tự nghĩ ra giá, đẩy giá lên được. Còn cái nào không có trần, chưa biết giá bao nhiêu là phải chấp hành theo các quy định về đấu thầu. Tuyệt đối không thể sử dụng phương pháp chỉ định thầu. Chúng ta phải có những cơ chế, biện pháp, cách thức để khắc phục những hạn chế này. Tôi nghĩ nếu quyết tâm chúng ta sẽ làm được.
Theo ông, có cần tổng rà soát việc mua sắm tài sản công sử dụng tiền ngân sách nhà nước để đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới không, thưa ông?
-Theo tôi, những tiêu cực trên xảy ra trong giai đoạn này cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh, tạo phong trào, quyết tâm, tạo mọi biện pháp để dẹp tệ tiêu cực trong mua sắm tài sản công sử dụng tiền ngân sách nhà nước. Bởi đây cũng là chỗ dễ sinh ra tham nhũng, lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Trong dịp này đã “lộ” ra rồi, cần phải kiên quyết chống. Từ đó góp phần thay đổi tư duy, suy nghĩ của mọi người, mọi cán bộ, mọi tổ chức, để họ cảm thấy lòng tự trọng bị xúc phạm nếu như tham ô, tham nhũng từ đồng tiền xương máu, đóng góp từ tiền thuế của người dân. Nhân đà này, tôi cho rằng cần làm nghiêm và rà soát sang các lĩnh vực khác nữa. Cùng với đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế quản lý tài chính sử dụng ngân sách nhà nước. Phải hoàn thiện lại tất cả quy chế, quy định, siết lại trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu, cấp trên trực tiếp. Không thể để buông lỏng, nếu cấp trên để cấp dưới làm sai thì cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Bây giờ chúng ta đang dồn sức cao nhất để duy trì thành quả chống dịch, nhưng những cái được “lộ” ra qua đợt chống dịch cũng là cơ hội để chúng ta quyết tâm sửa chữa khắc phục những hạn chế, tiêu cực.
Trân trọng cảm ơn ông!