Thời gian qua, một số bộ ngành, doanh nghiệp, người dân bức xúc về tình trạng phế liệu tràn ngập các cảng biển. Theo thống kê của cơ quan quản lý, hiện nay mặt hàng này đang tồn khoảng 5.700 container bao gồm cả mới và cũ, trong đó tập trung nhiều nhất là cảng Cát Lái (TP HCM). Nhiều quan điểm lo ngại, nếu không có biện pháp giải quyết thiết thực nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.
Để hạn chế tình trạng ách tắc container phế liệu tại cảng biển cản trở hoạt động kinh doanh, đa số công ty kinh doanh cảng biển quyết định không nhận mặt hàng này. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rõ trong thông báo số 281 – về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó yêu cầu không đánh đổi kinh tế lấy hủy hoại môi trường. Không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu đối với hoạt động ủy thác nhập khẩu; chỉ xem xét cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất. Rà soát việc nhập khẩu đối với doanh nghiệp còn hạn ngạch.
Khẩn trương ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với toàn bộ mặt hàng phế liệu được phép nhập khẩu. Nhằm chặn đứng rác thải đội lốt phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam, mới đây Thủ tuớng ban hành chỉ thị 27, yêu cầu tái xuất phế liệu nhập khẩu là rác thải. Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cùng vào cuộc để ngăn cản rác thải đội lốt phế liệu.
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương rà soát, bổ sung quy định về việc tạm dừng hoạt động tạm nhập, tái xuất, qua cảnh,… phế liệu nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. Hải quan phải ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đúng quy định. Bộ Tài nguyên & Môi trường không cấp mới, không gia hạn đối với các đơn vị nhập ủy thác nhập khẩu phế liệu, không cấp phép nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế.
Chính phủ đang ráo riết siết phế liệu nhập khẩu, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc ngăn chặn phế liệu tràn vào trong nước thời gian tới cũng cần có giải pháp giải phóng phế liệu đang tồn ở cảng, tức là tạo điều kiện để doanh nghiệp nhận lại hàng. Theo đó, cơ quan hải quan cho thanh lý hàng tồn đọng lâu ngày mà doanh nghiệp chưa làm thủ tục thông quan. Đơn vị kinh doanh cảng biển “nới” nguồn thu bằng cách không phạt lưu container và lưu bãi để doanh nghiệp giải phóng nhanh hàng tồn. Riêng những container nào vô chủ có thể bán với giá rẻ để doanh nghiệp tái chế.