Xã hội

Siết quản lý xe hợp đồng

Hồ Hương 06/09/2024 09:46

Xe hợp đồng đang là loại hình vận tải phổ biến trong vận chuyển, được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, để tạo sân chơi bình đẳng đối với xe tuyến cố định, cần xây dựng khung pháp lý như đăng ký kinh doanh, thu thuế, xem xét thêm các loại phí bến bãi khi đón khách tại những điểm được quy định…

tren.jpg
Xe hợp đồng không vào bến và không xuất vé, gây khó cho quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và quản lý thuế. Nguồn: VNECO.

Xe biển trắng “âm thầm” chở khách

Với số lượng xe hợp đồng chiếm gần 70% tổng số xe khách, loại hình vận tải này đang đóng vai trò rất lớn trong vận chuyển, luân chuyển hành khách, được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều tranh cãi về khái niệm, quy định hoạt động của loại xe này dẫn đến lượng lớn xe hợp đồng đang được gọi bằng những cái tên như: xe trá hình tuyến cố định, xe hợp đồng trá hình...

Theo bà Đỗ Hương Giang - Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), hiện ở Hà Nội có trên 37.000 xe hợp đồng, trong đó 18.000 xe dưới 9 chỗ, xe tuyến cố định có 3.300 xe. Lượng xe hợp đồng gấp nhiều lần xe tuyến cố định và xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhiều hơn xe taxi.

Đáng chú ý, trên địa bàn Hà Nội còn tình trạng xe biển trắng hoạt động chở khách “âm thầm”, không đúng quy định nhưng quản lý vô cùng khó khăn. “Số lượng xe tư nhân hiện nay rất lớn, hàng trăm nghìn xe, lớn hơn xe hợp đồng rất nhiều và họ tự do kết nối với nhau, khó quản lý. Vì vậy, dù Hà Nội đã có chuyên đề chống xe dù bến cóc, nhưng chỉ trong phạm vi xe biển vàng, không kiểm soát được xe biển trắng, do có nhiều yếu tố dân sự. Đây cũng là điều cơ quan quản lý rất trăn trở" - bà Giang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, theo quy định, xe kinh doanh đổi biển vàng, tuy nhiên còn tình trạng phổ biến xe dù không đổi biển, chèn ép xe taxi khi đón khách. Lực lượng quản lý, thanh tra giao thông không đủ để xử phạt. Do đó, cần xác định rõ khái niệm xe hợp đồng, nếu gom khách là vi phạm, còn nếu vào bến, các đơn vị kinh doanh có khó khăn gì cần nêu ra để địa phương điều chỉnh.

“Cứ tình trạng này, thời gian tới taxi sẽ bỏ mào, hoạt động linh hoạt. Hay như Phú Thọ có tới 1.000 xe ghép. Do đó, cần định nghĩa rõ như thế nào là trá hình, trá hình phải xử lý, Bộ Giao thông vận tải cần quy định, để địa phương cấp phù hiệu căn cứ siết chặt, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, bến xe. UBND các tỉnh, thành phố giảm bớt điều kiện cho các bến xe, tính theo nhu cầu khách hang” - ông Hùng nói.

Trên thực tế hiện nay nhiều xe hợp đồng vận chuyển nhiều loại hành khách như tham quan, du lịch, công nhân, học sinh... Phạm vi hoạt động rộng, thường xuyên, tuyến đường, ngõ ngách, nhiều khung giờ. Từ đó nảy sinh việc xe hợp đồng chạy như xe cố định.

Chưa công bằng trong thu thuế

Nhiều câu hỏi được đặt ra, khi xe biển trắng hoạt động trá hình thì vấn đề thu thuế và quản lý thuế sẽ như thế nào? Hiện nay xe hợp đồng chỉ nộp mỗi thuế môn bài trong khi xe tuyến cố định phải nộp các loại thuế khác. Chưa kể nếu chiếu theo quy định hiện hành, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải cung cấp nội dung hợp đồng, có phần mềm theo dõi hợp đồng, có cơ sở để kiểm tra, giám sát ngay khi thực hiện dịch vụ. Các doanh nghiệp (DN) chạy xe không hợp đồng, không xuất hoá đơn là vi phạm quy định về giao thông vận tải và quy định về luật quản lý thuế.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc nhà xe Vân Anh bày tỏ, bản chất xe hợp đồng và xe tuyến cố định không khác nhiều, nhưng vận hành xe hợp đồng hiệu quả hơn rất nhiều về đầu tư. Đầu tư như nhau, nhưng vận doanh của xe hợp đồng gấp nhiều lần, xe vào bến tốn nhiều loại thuế, phí: bến, thuế giá trị gia tăng vé, thuế thu nhập DN… DN gánh nhiều thuế phí khó giảm giá cạnh tranh với xe hợp đồng. Xe hợp đồng không phụ thuộc giờ giấc, không có gì hạn chế khách hợp đồng với DN, quay đầu nhiều thì giá vé xe giảm xuống.

Chính vì vậy, ông Dũng đề xuất cơ quan quản lý cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho xe cố định để xe cố định linh hoạt hơn, cạnh tranh được với loại hình mới.

Hiện nay ngành Thuế quản lý theo phương pháp người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tự giác tìm hiểu các quy định pháp luật về thuế. Bên cạnh hỗ trợ, cơ quan thuế quản lý theo hướng thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và quản lý theo rủi ro. Trường hợp phát hiện có rủi ro về thuế, cơ quan thuế sẽ tập trung, phân tích, thanh tra, kiểm tra và đối chiếu các thông tin để xác định đủ nghĩa vụ của người nộp thuế, tức là đấu tranh để thu thuế đầy đủ, công bằng với tất cả các đối tượng.

Các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải là 921.333 xe, tăng gấp 7,5 lần. Trong số 331.914 xe khách có 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết quản lý xe hợp đồng