Các chuyên gia đề nghị không công nhận hội đồng cơ sở nếu xét duyệt không tốt, xây dựng quy định chặt chẽ, công khai để siết chặt quy trình công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Trách nhiệm của hội đồng giáo sư cơ sở
Những năm gần đây, cứ đến dịp xét ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là lại rộ lên những ý kiến tranh luận về liêm chính khoa học. Năm 2023, có 93 ứng viên không được các hội đồng ngành, liên ngành đề nghị lên Hội đồng GS Nhà nước xét đạt công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
GS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước cho biết, năm 2023, có 744 ứng viên được hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Các hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận GS, PGS 651 người. Như vậy, 93 ứng viên không đủ tiêu chuẩn xét công nhận.
Trong đó, ngành có ứng viên không đủ tiêu chuẩn, bị loại nhiều nhất là ngành Y với 15/82 ứng viên, trong đó 3/9 ứng viên GS và 12/73 ứng viên PGS. Ngành Kinh tế đứng thứ 2 trong danh sách ngành có nhiều ứng viên bị loại với 10 người, trong đó có 4/10 ứng viên GS và 6/92 ứng viên PGS.
GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y nhìn nhận, để xảy ra tình trạng có nhiều ứng viên bị loại, trước hết trách nhiệm thuộc về các hội đồng cơ sở. “Hội đồng cơ sở nào làm không tốt sẽ không công nhận hội đồng nữa, như vậy các hội đồng cơ sở sẽ làm kỹ hơn, ứng viên nào không được sẽ bị loại ngay từ đầu” - GS Phước nói.
Tình trạng này không phải mới khi những năm trước cũng có hội đồng cơ vẫn trình lên hội đồng cấp trên sở dù hồ sơ không đủ điều kiện. Có hồ sơ thiếu minh chứng về giờ dạy, thỉnh giảng, có hồ sơ bị bắt lỗi liên quan đến các bài báo đăng tải trên tạp chí quốc tế…
Thẩm định, xem xét kỹ mọi mặt
Có một thực tế là hội đồng cơ sở thường gồm các thành viên ở các ngành khác nhau, mức độ hiểu biết học thuật ở các lĩnh vực chuyên ngành khác chưa đủ sâu nên có thể việc đánh giá ứng viên ở các chuyên ngành khác chưa chính xác. Vì vậy, việc “đếm bài báo” thay vì quan tâm đến chất lượng sản phẩm có thể xảy ra, dẫn đến việc hồ sơ đưa lên bị loại khi hội đồng cấp trên xem xét kỹ hơn.
Đơn cử năm nay, Hội đồng GS cơ sở ngành Cơ khí - Động lực ghi nhận một ứng viên PGS có 21 bài báo, công bố khoa học trong nước, quốc tế. Ứng viên này là giảng viên Trường ĐH Thủy lợi nhận bằng tiến sĩ năm 2011, 9 năm sau đó không có công bố quốc tế. Đến năm 2021, ứng viên này có bài báo quốc tế đầu tiên, năm 2022 có 10 bài và 6 tháng đầu năm 2023 công bố 4 bài.
Một ứng viên PGS chuyên ngành thể dục thể thao trong vòng 3 năm gần đây công bố 15 bài báo quốc tế, trong đó 12 bài là tác giả chính. Năm 2021 ứng viên này có 4 bài báo công bố quốc tế, năm 2022 có 8 bài và năm 2023 công bố 3 bài.
Việc xuất bản liên tiếp các bài báo quốc tế trong một thời gian ngắn trong khi nhiều năm trước đó không có công bố nào khiến không ít người đặt dấu hỏi về chất lượng các sản phẩm này. Theo nhiều GS đầu ngành, để có công bố quốc tế phải có thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu, không thể liên tiếp có các bài báo xuất bản theo tháng như vậy, nhất là trong bối cảnh các ứng viên còn phải đảm bảo các điều kiện khác như giờ dạy, hướng dẫn…
Để ngăn chặn tình trạng này cần phải có các quy định chặt chẽ, công khai, những điều chỉnh quy định giải quyết phát sinh trong thực tế xét duyệt. “Những ý kiến phản ánh của dư luận xã hội cũng là kênh thông tin hữu ích giúp Hội đồng GS cơ sở có thêm thông tin để thẩm định hồ sơ, đánh giá năng lực ứng viên trong quá trình xét” - GS.TS Trần Anh Tuấn nói.