Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (Luật LLTP) vừa họp phiên đầu tiên để nghe báo cáo về những định hướng, chính sách lớn khi sửa đổi luật này. Theo đó một trong những bất cập được các đại biểu đề cập đó là tình trạng cấp phiếu LLTP ngày càng gia tăng và đang bị lạm dụng.
Doanh nghiệp cũng yêu cầu cấp phiếu số 2
Báo cáo với Ban soạn thảo, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) Hoàng Quốc Hùng cho biết, một trong những bất cập hiện nay của Luật LLTP năm 2009 là quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 đang bị lạm dụng.
Ông Hùng cho biết, theo quy định của khoản 1, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 thì “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Còn theo quy định của Luật LLTP, nội dung tình trạng án tích tại Phiếu LLTP số 2 thể hiện cả những án tích đã được xoá của người từng bị kết án (trong khi pháp luật hình sự quy định người được xóa án tích coi như chưa từng bị kết án).
Do vậy, Phiếu LLTP số 2 chỉ được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai quy định này của Luật LLTP đã bị lạm dụng.
Theo Luật hiện hành, Phiếu LLTP số 1 ghi các án tích chưa được xóa, không ghi các án tích đã được xóa và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ được ghi vào khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
Trong khi đó, Phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ các án tích, cả án tích chưa xóa lẫn án tích đã được xóa, và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phản ánh từ các đại biểu cho biết, nhiều cơ quan, tổ chức yêu cầu người dân phải cung cấp cho họ phiếu LLTP số 2 khi giải quyết công việc.
Hiện nhiều cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam yêu cầu các đương đơn xin thị thực định cư, thị thực hôn phu, hôn thê phải nộp Phiếu LLTP số 2.
Thậm chí một số doanh nghiệp cũng yêu cầu người lao động phải nộp Phiếu LLTP số 2 khi tuyển dụng (để chứng minh cá nhân đó trong sạch).
Điều này đã ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân, được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người từng bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích, gây khó khăn cho cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp lý.
Nên cân nhắc bỏ?
“Để giải quyết tình trạng lạm dụng cấp Phiếu LLTP số 2 hiện nay, cần thiết phải sửa đổi quy định tại Luật LLTP theo hướng phiếu này chỉ được cấp cho cơ quan tố tụng, không cấp cho cá nhân. Cá nhân có quyền tiếp cận thông tin về LLTP của mình theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, không được phép sao chép để tránh tình trạng lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền về bí mật đời tư của cá nhân” - ông Hùng đề nghị.
Cũng theo ông Hùng, Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giao hẳn trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong việc theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên cho người bị kết án.
Ngoài ra, Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thủ tục xóa án tích, trong đó khoản 1 nêu rõ: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp Phiếu LLTP là họ không có án tích”.
Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP được đề cao và phải chủ động trong việc theo dõi, cập nhật thông tin về án tích, đặc biệt là phải chủ động trong việc tiến hành xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để bảo đảm đáp ứng thời hạn cấp Phiếu LLTP liên quan đến trường hợp đương nhiên xóa án tích quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
“ Sửa đổi Luật LLTP lần này phải loại bỏ quy định bắt những người lương thiện - vốn chiếm số đông trong xã hội - phải chứng minh lý lịch mà chỉ cần họ cam đoan là được” - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nói.