Bất chấp những rủi ro liên tục được cảnh báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng mạnh. Các ngân hàng vừa là chủ thể phát hành nhưng cũng là đối tượng thu gom trái phiếu doanh nghiệp. Điều này dấy lên nhiều nỗi lo.
Theo thống kê, giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp trong 9 tháng 2021 của các ngân hàng thương mại đạt 116 nghìn tỷ đồng. Đồng thời các ngân hàng vẫn duy trì là nhóm nhà đầu tư mua chính với 56% tổng giá trị phát hành và công ty chứng khoán chiếm 36,3%.
Dưới quan sát của tổ chức nghiên cứu FiinGroup, số lượng ngân hàng tham gia trực tiếp mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp chiếm khoảng 23,2% lượng trái phiếu ngân hàng phát hành. FiinGroup nhận định, gần như toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp (DN) phát hành bởi các ngân hàng đều đang được sở hữu bởi các ngân hàng và một số định chế tài chính khác. Điều này được hiểu đơn giản là, các ngân hàng đang mua chéo trái phiếu của nhau.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu lượng trái phiếu DN được ngân hàng mua vào quá nhiều sẽ không lành mạnh. Bởi nghiệp vụ kinh doanh chính của ngân hàng là tín dụng, hoạt động cho vay nên không thể đổ dồn mua trái phiếu DN. Kinh doanh trái phiếu có thể giúp ngân hàng có thêm nguồn thu nhập song đi kèm rủi ro.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận, đáng ngại nhất là các ngân hàng mua bán trái phiếu lẫn nhau biến thành cho vay đảo nợ, nợ xấu sẽ bị che giấu thông qua mua trái phiếu. Ví dụ, ngân hàng A cho DN vay, nhưng DN trục trặc trong kinh doanh nên khó trả nợ. Về nguyên tắc trong hoạt động tín dụng, khách hàng không trả nợ đúng hạn sẽ thành nợ xấu khó đòi, nhưng DN này lại phát hành trái phiếu. Nếu ngân hàng A trực tiếp mua trái phiếu DN của “con nợ” này thì sẽ bị cơ quan quản lý sẽ “tuýt còi”, bởi điều này đồng nghĩa với việc cho vay đảo nợ. Nhưng khi có ngân hàng B cũng gặp tình trạng này, thì ngân hàng A và B sẽ hợp tác để mua chéo trái phiếu DN của nhau.
Hoạt động trên sẽ khiến NHNN không thấy hiện tượng bất thường. Ban đầu, đây có thể là sự hợp tác bằng cách “lách luật” ở mức độ cho phép. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này vẫn cứ tiếp diễn, ở mức độ cao hơn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn của toàn hệ thống ngân hàng.
Mới đây NHNN vừa ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là quy định về các trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu DN.
Thứ nhất, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu DN phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành. Thứ hai, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu DN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác. Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu DN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Và một trong những nguyên tắc mua, bán trái phiếu DN được đưa ra là tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu DN khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu DN (các quy định hiện hành không quy định nội dung này). Tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu DN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu DN phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Giới chuyên gia cho rằng, NHNN cần phải quản lý thật chặt để đưa hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), NHNN, Bộ Tài chính nên làm mạnh để hạn chế những hệ lụy không đáng có. Đặc biệt khoản nợ xấu tại ngân hàng, DN không thể che giấu bằng nghiệp vụ ngân hàng được.