Tình trạng sim rác “lộng hành” với vô số cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền người dùng tiếp tục nóng trở lại trong thời gian gần đây. Ngoài những tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo, tiếp thị “việc nhẹ - lương cao”, không ít trong số đó còn là những cuộc gọi giả mạo cơ quan pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng.
Bủa vây người dùng
Để xử lý dứt điểm tình trạng sim rác, đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Quyết định kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định. Đối tượng thanh tra là 7 doanh nghiệp (DN) viễn thông di động gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile, Đông Dương Telecom, Mobicast.
Mục đích của đợt thanh tra là kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động để hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, phát huy những mặt mạnh, ưu điểm; qua đó chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những sai sót, khuyết điểm của DN viễn thông từ đó đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vào khuôn khổ, tuân thủ các quy định của pháp luật...
Mặc dù cơ quan chức năng và các nhà mạng đã có nhiều biện pháp trong việc siết chặt quản lý, dốc sức xoá sim rác, không để sim rác quấy nhiễu xã hội, thế nhưng đến nay, tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn đang bủa vây, làm phiền người tiêu dùng. Trong đó, tình trạng lợi dụng sơ hở của thông tin thuê bao, mạo danh cơ quan chức năng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vi phạm pháp luật đang là một trong những vấn đề nhức đối gây bức xúc dư luận thời gian gần đây.
Chị Nguyễn Thị Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây chị liên tục nhận được các tin nhắn thông tin tuyển dụng, những công việc nhận lương trong ngày với thu nhập từ 500 nghìn đồng - 2triệu đồng/ngày, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần chăm chỉ. Công việc đơn giản có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi...
“Ban đầu tôi cũng không để ý vì biết là tin nhắn rác và có thể bị lừa đảo nếu nhẹ dạ đăng ký. Tuy nhiên ngày càng có nhiều tin nhắn đến bằng nhiều tài khoản khác nhau rất phiền phức” - chị Phương nói.
Ngoài những thông tin tuyển dụng, rất nhiều lần chị Phương cũng nhận được các tin nhắn quảng cáo cho vay tiền, thậm chí là các cuộc gọi thông báo trúng thưởng xe máy của ngân hàng, trúng máy giặt của các sàn thương mại điện tử…
Cảm thấy bị làm phiền quá nhiều, chị Phương liên tục chặn các số liên hệ này, thế nhưng cứ chặn được số này thì lại có số khác nhắn tin đến.
Nhiều người dùng còn rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi bỗng nhiên nhận được cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng xử lý phạt nguội vi phạm giao thông, thậm chí mạo danh cả Viện kiểm sát, toà án… để lừa đảo.
Anh Nguyễn Đức Cường (21 tuổi, sinh viên đại học tại Hà Nội) bàng hoàng khi nhận được cuộc gọi tự xưng từ Toà án nhân dân huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương) thông báo về chuyên án điều tra buôn bán trái phép chất ma tuý có liên quan đến anh. Theo đó, các đối tượng yêu cầu anh Cường xác minh vụ việc, đồng thời yêu cầu thực hiện việc chuyển hết tiền có trong tài khoản ngân hàng để làm căn cứ xác minh. Nếu không có liên quan đến vụ án sẽ được hoàn trả lại trong thời gian sớm nhất.
“Họ nói chuyện rất chuyên nghiệp và đọc chính xác những thông tin cá nhân, thông tin liên hệ nên ban đầu tôi có hơi hoảng sợ vì lo bị oan, vướng vào việc không mong muốn. Thế nhưng khi bình tĩnh lại tôi đã gọi về cho gia đình thông báo và được mọi người khuyên không được làm theo yêu cầu của chúng. May mà trong tài khoản của tôi khi đó cũng hết tiền nếu không thì trong lúc mất bình tĩnh có khi đã chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo”- anh Cường chia sẻ.
Chống sim rác cách nào?
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, về việc các đối tượng sử dụng sim rác hay sim không được đăng ký chính chủ, đăng ký thông tin giả mạo để gọi điện chào mời, quảng cáo gây phiền hà cho người dùng thuê bao di động, cần được phân biệt thành nhiều trường hợp để xử lý.
Nếu các đối tượng chỉ có hành vi dùng sim rác gọi điện để chào mời quảng cáo mà không có hành vi vi phạm pháp luật nào khác như lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản… thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi giả mạo thông tin để giao kết hợp đồng dịch vụ viễn thông. Trong trường hợp này xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực viễn thông với hình thức xử phạt là: Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các số thuê bao từ 10 tháng đến 12 tháng với số lượng sim vi phạm dưới 200 sim, trường hợp số lượng sim vi phạm trên 200 sim thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Trường hợp các đối tượng gọi điện đến nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đe dọa tống tiền… thì bị xử lý theo quy định về các hành vi đó. Cụ thể, đối tượng mạo danh cơ quan tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, bị kết án về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân.
“Nếu tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp gọi điện đe dọa ép người nghe điện thoại phải chuyển tiền nếu không sẽ làm hại đến họ và gia đình họ thì có thể cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự. Đây chỉ là số ít ví dụ về thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, thực tế còn rất nhiều chiêu trò khác nữa” - Luật sư Hùng nhận định.
Theo Luật sư Hùng, trách nhiệm của các nhà mạng trong cung cấp dịch vụ viễn thông là rất quan trọng để định danh rõ ràng người dùng, nắm bắt chính xác thông tin khách hàng. Ngay từ khi giao kết hợp đồng dịch vụ viễn thông hay khi bán sim điện thoại cho khách hàng đều phải thực hiện đăng ký thông tin cá nhân khách hàng.
“Các DN kinh doanh dịch vụ viễn thông cần chống sim rác bằng biện pháp khóa tất cả các sim chưa được đăng ký chính chủ. Để làm được điều này không phải dễ khi những người dùng sim không đăng ký và như vậy cũng đóng góp số lượng doanh thu không nhỏ cho DN” – ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hùng cũng khuyến cáo đối với người dùng, cần hết sức cảnh giác các cuộc gọi với nội dung tự xưng cơ quan nhà nước vì cơ quan nhà nước không liên lạc qua điện thoại mà đều sử dụng giấy tờ, văn bản. Đồng thời, không cung cấp qua điện thoại cho người lạ về các thông tin cá nhân như họ tên, nơi ở, ngày tháng năm sinh, tài khoản ngân hàng… Đặc biệt tuyệt đối không nghe theo các yêu cầu chuyển tiền qua điện thoại đến từ người lạ. Thậm chí không bắt máy những đầu điện thoại số lạ như các số ở nước ngoài. “Khi mỗi người tự biết bảo vệ mình thì các đối tượng lừa đảo sẽ không còn đất sống” - ông Hùng nói.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn Không mạng quốc gia (NCSC, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông):
Lỏng lẻo trong khâu quản lý của nhà mạng
Hiện tại các nhà mạng ở Việt Nam đang quản lý rất lỏng lẻo việc cung cấp sim, do vậy số lượng sim rác trên thị trường rất lớn. Những kẻ xấu lợi dụng kẽ hở này để gửi tin nhắn rác nhằm quảng cáo, tiếp thị và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các nhà mạng.
Các tin nhắn quảng cáo hay lừa đảo này đều có các dấu hiệu giống nhau như sai ngữ pháp, sử dụng những ký tự đặc biệt,… mà người dùng có thể dễ dàng nhận ra. Đặc biệt, chúng thường đánh vào lòng tham hoặc sự sợ hãi của người dùng, giả mạo tổ chức nào đó để cung cấp đường link chứa mã độc, yêu cầu người dùng click nhằm lấy cắp thông tin tài khoản. Do đó, khi nhận được tin nhắn quảng cáo nào mang tính chất lừa đảo, kiếm tiền, đầu tư hay bất kỳ sự nghi ngờ nào, người dùng cần phải chặn ngay số điện thoại và chuyển thông tin đó lên trang web chongthurac.vn của Chính phủ.
Nhà mạng phải siết chặt những số đăng ký, xác thực kỹ danh tính cá nhân người đăng ký bởi việc làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân hiện nay rất dễ dàng. Các đối tượng cũng có thể lấy cắp thông tin danh tính của bất kỳ ai trên mạng dựa vào những thông tin mà các đối tượng rao bán công khai hoặc do chính người dùng đăng tải lên mạng.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dùng cũng phải phải trang bị đầy đủ các kiến thức, phải hiểu rõ rằng khi đăng tải những thông tin cá nhân lên mạng xã hội nguy hiểm như thế nào, cùng với đó nâng cao nhận thức về cách xử lý khi nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác, sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để truy vết ra các đối tượng lừa đảo.