Mỗi dân tộc có nghề truyền thống khác nhau; nhiều bản làng cũng có nghề truyền thống riêng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nghề truyền thống lại chưa được phát huy để đem lại thu nhập cho bà con.
Có nơi, nghề truyền thống còn bị mai một khi có các sản phẩm tiện lợi, hiện đại thay thế. Ðể duy trì, phát triển hiệu quả nghề truyền thống cần mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa đến với cộng đồng rộng lớn hơn.
Sản phẩm mây tre đan Nà Tấu (Điện Biên).
Những năm qua, bản Na Sang II (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên), nghề dệt truyền thống được hỗ trợ, phát triển. Thành lập từ năm 2004, HTX hiện vẫn đang hoạt động tích cực với 15 thành viên chính thức cùng hơn 10 chị em thuần thục thêu dệt trong bản thường xuyên tham gia lúc nông nhàn. Tới nay, sản phẩm của HTX đã đến Hà Nội, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh… và ra cả nước ngoài. Doanh thu trung bình hàng năm khoảng 600 - 700 triệu đồng, riêng năm 2018 thu về trên 1 tỷ đồng.
Được biết, năm nay dệt thổ cẩm bản Na Sang II đã nhận được 3 đơn đặt hàng xuất đi các tỉnh. Hiện hoạt động của HTX đã mang lại thu nhập trung bình 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người cho hội viên tham gia.
Cũng tại Điện Biên, HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu (xã Nà Tấu, TP Ðiện Biên Phủ) cũng khá phát triển. HTX được thành lập trước đây 10 năm theo chương trình đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn, trên nền tảng nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái bản địa. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã sản xuất gần 4.000 sản phẩm các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Lào Cai, U Ðôm Xay (nước CHDCND Lào)... HTX giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương trong thời gian nông nhàn với mức thu nhập 1 - 2 triệu đồng/tháng/người. Dẫu thu nhập không cao nhưng đây cũng là nguồn thu cần thiết đối với bà con.
Được biết, để tạo điều kiện thúc đẩy nghề truyền thống phát triển, tháng 9/2019, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 32/2019/QÐ - UBND về Quy định công nhận, quản lý và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Điều đó là cơ sở để phát huy ngành nghề truyền thống tại địa phương. Hiện ở Điện Biên có 7 làng nghề hoạt động tốt là dệt thổ cẩm bản Na Sang II, xã Núa Ngam; dệt thổ cẩm bản Mển, xã Thanh Nưa; sản xuất bánh đa thôn Thanh Ðông, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên); đan mây tre bản Nà Tấu, xã Nà Tấu (TP Ðiện Biên Phủ); thêu thổ cẩm bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa); đan mây tre tổ dân phố 6, phường Sông Ðà và sản xuất bánh khẩu xén, bản Bắc, xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay).
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, trong khi phần lớn các hộ gia đình đồng bào Cor ở Tây Trà loay hoay kiếm nguồn thu nhập, thì chị Hồ Thị Hồng Thanh, ở đội 5, thôn Gò Rô, xã Trà Phong lại có nguồn thu nhập ổn định với nghề đan lát truyền thống của đồng bào mình.
Theo chị Thanh, trước đây 15 năm, gia đình chị cũng khó khăn như phần lớn bà con nơi đây. Trong điều kiện khó khăn đó, lúc đầu vợ chồng chị đan một vài vật dụng như rổ, mủng, nia để bán cho bà con. Dần dà, nhiều người hỏi mua nên chị đan nhiều hơn. Đến năm 2017, chị thử sức với việc làm chổi đót và đã thành công. Mỗi ngày, gia đình chị Thanh làm được 40 - 50 cây chổi đót. Giá bán trung bình từ 30 - 40 nghìn đồng/cây, nên đem lại cho gia đình nguồn thu khá ổn định. Hiện chị Thanh đã cung cấp chổi đót cho một số thị trường ở các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Trà Bồng... Theo chị Thanh, nếu cần cù, chịu khó, thì từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như nứa, lồ ô, dây mây, đót... sẽ cho nguồn thu nhập khá.