Không bó tay trong cái khó trăm bề từ đại hạn và xâm nhập mặn, nhiều nông dân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã tìm kế sinh nhai ngay chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt bằng nghề bắt chuột đồng, cho thu nhập mỗi ngày từ 250 ngàn đến 500 nghìn đồng.
Chọn vị trí để đặt bẫy chuột.
Đến nay, hầu hết các cánh đồng ở Sóc Trăng đều bị khô hạn, chưa thể xuống giống vụ Hè Thu. Nhiều cánh đồng lớn khô nứt nẻ, trơ gốc rạ, chờ đợi mưa. Trên đồng còn lại, một lượng lúa khá lớn rơi vãi. Chính vì vậy, đây là môi trường thuận lợi cho chuột đồng sinh trưởng tốt và phát triển nhanh về số lượng.
Thời gian nông nhàn kéo dài, một lượng lớn người lao động ở nông thôn đành gác lại mảnh ruộng sau nhà, tìm đến các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… tìm kế sinh nhai. Không chấp nhận “bó tay” trước hạn-mặn, nhiều nông dân ở Sóc Trăng đã tìm kế sinh nhai bằng “nghề” bắt chuột đồng.
Anh Phan Văn Xiêm, ngụ ấp Sóc Dong - xã Tân Hưng (Long Phú, Sóc Trăng) thường lui tới cánh đồng sau nhà và nhận thấy sự phát triển của đàn chuột, anh đã quyết định mua 50 chiếc rập chuột sắt, với giá 7 ngàn/cái. Ban đầu, anh chỉ nghĩ “kiếm cái ăn trong nhà”, để giảm chi tiêu cho gia đình lúc khó khăn. Bất ngờ, chỉ với 50 chiếc rập, mỗi đêm anh thu về gần 5 kg chuột. Trong khi giá chuột đồng trên thị trường khoảng 50.000 – 70.000 đồng mỗi kilôgam, nên anh nghĩ đến việc bắt chuột để kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong lúc nông nhàn. Trao đổi với chúng tôi, anh Xiêm cho biết: Bẫy chuột đồng cũng chỉ tốn ít lúa, mỗi đêm đi thăm rập 3 đến 4 lần, chịu khó một chút cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi đêm. Mùa hạn này, không biết làm gì ra tiền thì đây chính là khoản thu nhập khá cho gia đình.
Hiện nay có nhiều cách thức để bắt chuột đồng khác nhau như: bẫy rập, đào, đâm, đập,… Anh Hồ Ngọc Ngần, ngụ ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng chọn bắt chuột đồng bằng cách “đâm chuột”. Không bỏ ra đồng vốn nào, với dụng cụ chỉ là cây chỉa, mỗi đêm anh Ngần cũng kiếm được gần chục kilôgam chuột. Với giá 50.000 – 70.000 đồng/kg, anh có thu nhập từ 300 – 500 nghìn đồng mỗi đêm. Anh Ngần cho biết: Nhờ có được cái nghề đâm chuột này mà kiếm được đồng vô đồng ra, không thì đã đi thành phố rồi. Đất đai khô cằn thì biết làm gì, mà có muốn làm cũng không ai mướn.
Số chuột sau khi bắt, được các thương lái đến thu gom tận nhà và đem bán lại các nhà hàng. Chuột đồng vào mùa này do đầy đủ thức ăn nên thường rất mập, thịt lại mềm và có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: chiên, xào, nướng,... Vì vậy, món chuột đồng hiện đang được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Từ đó, nghề bắt chuột đồng đem lại thu nhập kha khá trong lúc nông nhàn. Nhiều người xem đây là một nghề để mưu sinh.