Những cơ sở pháp lý, căn cứ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị về công tác Mặt trận đã tạo nên một sinh lực mới cho toàn hệ thống MTTQ Việt Nam trong tổ chức và hoạt động. Từ đó đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới, góp phần vào sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của đất nước.
Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam đã được quy định rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 Luật MTTQ Việt Nam.
Những văn bản trên như “hệ tiên đề” để hình thành nên tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã kế thừa và bổ sung nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò của Mặt trận: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân… Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.
Từ đó, chúng ta có thể thấy những nội dung tạo sinh lực mới cho công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo được nhấn mạnh trong 3 điểm quan trọng sau:
Một là, văn kiện xác định rõ hơn vai trò trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” khẳng định: Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định “MTTQ đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc… Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, động viên mọi tiềm năng, trí tuệ của cả dân tộc, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Như vậy, cho đến Đại hội XII của Đảng, vai trò của Mặt trận là “nòng cốt” và cần phải “phát huy”, nhưng đến văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụm từ “phát huy” đã được thay bằng cụm từ “tăng cường” và cụm từ “nòng cốt” được thay bởi cụm từ “nòng cốt chính trị”. Điều này đã làm rõ hơn, cao hơn tạo sinh lực mới về vai trò của MTTQ Việt Nam trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 21/11/2023 của Hội nghị Trung ương Tám khóa XIII: “Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc’’.
Hai là, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Điều này cũng được khẳng định trong Nghị quyết 43-NQ/TW của Đảng.
Với vai trò là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt để nhân dân làm chủ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ phải là 3 chân kiềng vững chắc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta, Tổ quốc ta như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài phát biểu tại Hội nghị Mặt trận ngày 16/8/2021.
Ba là, “Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn đề ra yêu cầu “đổi mới tổ chức bộ máy”, nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đủ mạnh, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, địa bàn dân cư; bổ sung vào Văn kiện cuộc vận động lớn, trung tâm của Mặt trận: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đề ra nhiệm vụ “Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” như lời phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Mặt trận ngày 16/8/2021. Đây là cơ sở, tiền đề và tạo sinh lực mới cho toàn hệ thống MTTQ Việt Nam trong tổ chức và hoạt động của mình, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới góp phần vào sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của đất nước.