Vượt qua gần 200 dự án, dự án Inut Platform - hệ sinh thái kết nối vạn vật của nhóm sinh viên đến từ ĐH Quốc gia TP HCM vừa đạt giải Nhất khối ĐH, CĐ cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SWIS 2018”.
Dự án khởi nghiệp Inut Platform nhận giải Nhất cuộc thi SWIS 2018. Ảnh: Thanh Tùng.
Trước đó, dự án này cũng nhận được 625 triệu đồng cho 2,5% cổ phần công ty từ nhà đầu tư và nhiều giải thưởng khác như WTA - Bình Dương SmartCity Ideas Competition 2018, IoT Startup 2018, Nhân Tài Đất Việt 2018, PYSIC 2018, Khởi nghiệp Kinh doanh 2018…
Nhóm tác giả của dự án gồm Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, Đoàn Vinh Phú là sinh viên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. iNut Platform được hiểu là nền tảng công nghệ giúp kết nối giữa người phát triển giải pháp với người dùng cuối để thống nhất tạo thành một nền tảng IoT mở đầu tiên tại Việt Nam.
Nói về ý tưởng để hình thành dự án này, Đoàn Vinh Phú cho biết hiện nay, các dự án startup về công nghệ IoT đang phát triển nhanh như vũ bão. Tuy nhiên, các dự án này vẫn chưa giải quyết được bài toán kết nối vạn vật hoàn hảo và đảm bảo được yếu tố xã hội bên trong đó. Xuất phát từ thực tiễn mà nhóm tác giả vấp phải trong cuộc sống, giải pháp iNut Platform ra đời, có thể kết nối các nhà phát triển phần cứng, phần mềm và người sử dụng cuối. Sự phối hợp này tạo nên hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện (cảm biến, đèn, quạt, tụ điện…) vào internet và có thể điều khiển trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính.
Sau khi trải qua các phần thi thuyết trình và bảo vệ trực tiếp trước ban giám khảo, dự án đã thuyết phục được ban tổ chức của cuộc thi SWIS 2018 khi đưa ra một hướng tiếp cận hoàn toàn khác trong ngành công nghiệp IoT, khi rút ngắn thời gian làm ra một dự án IoT từ 6 tháng xuống còn 1 tuần và hơn hết là cực kỳ dễ dàng. Từ đó, các nhà phát triển có ý tưởng sáng tạo có thể dễ dàng đưa các ý tưởng IoT của mình đến tay khách hàng, vào thực tế cuộc sống một cách nhanh nhất.
Điểm khác biệt của iNut Platform với những dự án khởi nghiệp khác đó là ở thời điểm hiện tại, đây đã là một nền tảng hoàn thiện và được tung ra thị trường. Dự án đã được triển khai trên thực tế và mang lại hiệu quả kinh doanh nhất định chính là minh chứng rõ nét nhất cho thành công và những nỗ lực không mệt mỏi của nhóm tác giả bởi không phải dự án nào của sinh viên, dù có ý tưởng mới cũng có thể trở thành hiện thực.
Chia sẻ về ứng dụng của iNut, tác giả Ngô Huỳnh Ngọc Khánh cho biết, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, sản xuất, kinh doanh.
Lấy ví dụ đơn giản, một bác nông dân không quen lập trình sẽ được các lập trình viên chia sẻ các khối lệnh kéo thả sẵn có. Từ đó hiểu được logic vấn đề và dần dần cải thiện và số hóa quy trình nuôi trồng của mình. Người lập trình viên đó có thể là một sinh viên ĐH hoặc thậm chí là một học sinh trung học có những trải nghiệm logic toán trong trường học. Như vậy, cho dù không am hiểu công nghệ nhưng người dùng cuối vẫn có thể dễ dàng thực hiện nhờ theo dõi các ví dụ có sẵn nhờ giải pháp của iNut.
Đến nay, iNut đã có những khách hàng đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp. Công ty iNut JSC ra đời và tiến sâu hơn vào các nhà máy, xí nghiệp với hy vọng phát triển nền tảng này ngày càng hoàn thiện hơn nữa.
Hiện khó khăn lớn nhất của Công ty là vốn, bên cạnh đó là khả năng bán hàng, xây dựng thương hiệu chưa bài bản… Đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp khác khi cái họ có trong tay chỉ là ý tưởng và công nghệ. Với sự hỗ trợ của các đơn vị như ĐH Quốc gia TP HCM, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân khác, nhóm tác giả vẫn đang tìm kiếm sự hỗ trợ các nguồn lực tài chính và hỗ trợ về mặt thị trường, khách hàng để đưa Platform đến thị trường ngày càng rộng rãi.