Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, rất nhiều sinh viên ngoại tỉnh không thể về quê, vô tình “mắc kẹt” tại thủ đô. Rất nhiều trong số đó gặp không ít khó khăn, phải tìm mọi cách để xoay xở trong mùa dịch.
Quanh quẩn trong căn nhà trọ
Trong căn phòng trọ chưa đầy 20 m2 nằm sâu trong làng Cốm Vòng (Dịch Vọng Hậu – Cầu Giấy), Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Hoàng Anh (sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm Hà Nội) hàng ngày chỉ quanh quẩn với chiếc laptop và điện thoại di động. Nam cho biết, cả tháng nay 2 người chỉ thay phiên nhau ra quán tạp hóa và siêu thị ngay dưới nhà để mua đồ chứ không dám đi đâu.
“Bọn em quê đều ở Nam Định và cùng đi làm thêm ở một quán cà phê trên đường Tô Hiệu. Nhưng kể từ lúc dịch đến nay mấy lần phải nghỉ, khi có lệnh giãn cách thì không kịp về quê nên đành phải ở lại đây. Cũng may ngay dưới phòng trọ có mấy quán tạp hóa và 1 cái siêu thị mini nên bọn em không sợ thiếu đồ ăn”, Hoàng Anh chia sẻ.
Cũng theo Hoàng Anh, do không có giấy tờ đi đường nên không dám đi đâu ra khỏi khu vực làng Cốm Vòng, sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn: “Có hôm hết sạch tiền mặt trong người nhưng không thể nào ra cây ATM để rút tiền được do có chốt, em phải chuyển khoản cho cô tạp hóa cả triệu đồng rồi nhờ cô đưa tiền mặt cho để tiêu. Cũng nhiều hôm đi chợ muộn nên hết sạch đồ ăn, hai đưa em phải ăn mì gói cho qua bữa”.
Không được may mắn như vậy, Âu Tuấn Anh (sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hiện đang thuê trọ tại Phố Yên Lạc (phường Vĩnh Tuy – Hai Bà Trưng) gặp nhiều phiền toái khi nhiều ngày liền không thể mua được đồ ăn. Tuấn Anh cho biết: “Vì mới chuyển đến thuê trọ tại đây nên em chưa kịp làm tạm trú thì đã bị giãn cách, thế nên cũng không được phát phiếu đi chợ như người dân. Trong khi ngay đầu ngõ đã có chốt kiểm soát, không thể ra ngoài mua đồ em phải ăn mì dự trữ mấy ngày liền. Khó khăn lắm mới canh được người dân ra ngoài đi chợ để nhờ mua giúp”.
Lạc quan những ngày giãn cách
Nguyễn Đức Cường (sinh viên năm nhất Đại học KHXH & NV) cũng mắc kẹt tại thủ đô trong đợt giãn cách này. Cường cho biết, dù không đi làm thêm nhưng vẫn được gia đình chu cấp đầy đủ hàng tháng: “Mỗi tháng bố mẹ gửi cho em khoảng 3 triệu rưỡi cho tiền nhà và tiền ăn. Tháng này lại được bác chủ nhà giảm cho 200 ngàn tiền trọ nữa. Em thấy tại khu trọ làng Cốm này ở sâu trong ngõ cũng vẫn có siêu thị nên lúc nào thực phẩm cũng đầy đủ, không lo thiếu thứ ăn”.
Cường cũng cho biết thêm, trường Đại học nơi em đang theo học cũng có các chương trình hỗ trợ sinh viên đang mắc kẹt tại Hà Nội, theo đó sinh viên được hỗ trợ tiền mặt hoặc thực phẩm theo yêu cầu. “Những ngày ở nhà, em học cách làm bánh, xem trước giáo trình cho năm học tới và đọc sách để giết thời gian. Em thấy việc ở nhà những ngày này cũng giúp mình có thêm thời gian để rèn luyện, tự học và phát triển bản thân. Bất cứ sinh viên nào cũng nên tận dụng khoảng thời gian này để nó không trôi qua lãng phí”, Cường chia sẻ.
Nguyễn Thị Mai (sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng tận dụng quãng thời gian này để theo học khóa học Marketing miễn phí của Google. Mai cho hay: “Em đã đoán trước được Hà Nội thể nào cũng tiến hành giãn cách đợt 2 nên trong thời gian đó em đã đăng kí khóa học Marketing miễn phí từ Google. Em thấy nếu không biết sử dụng thời gian này hiệu quả thì cả ngày sẽ chỉ ở phòng suy nghĩ tiêu cực về dịch bệnh, hoặc lướt mạng xã hội vô bổ, như thế thì rất phí”.
Dù mắc kẹt tại thủ đô trong những ngày giãn cách, tuy nhiêu nhiều sinh viên vẫn bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng vào sự kiểm soát tình hình dịch bệnh của thành phố. Tất cả đều mong muốn dịch bệnh qua đi để cuộc sống được trở lại bình thường, sớm quay lại trường để tiếp tục học tập.