Ngày 19/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến; cựu Thượng tá Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) cùng các đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi.
Trả lời thẩm vấn, Vũ Thị Hoan khai: Lúc bị cáo mới 21 tuổi, đang là sinh viên ngây thơ thì cậu ruột là Út “trọc” nhờ đứng tên làm giám đốc, bị cáo không biết gì và không thực sự điều hành công ty dù mang danh giám đốc.
Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) tại phiên xét xử ngày 19/5.
Lỗi do không được đào tạo kinh tế?
Trong nỗ lực bào chữa gỡ tội cho thân chủ, Luật sư Hoàng Văn Hướng đặt câu hỏi về chuyên ngành được đào tạo của cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến. Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến khai: Bị cáo được đào tạo về quân sự tới 9 năm nhưng lại chưa từng được học qua trường lớp quản lý kinh tế nào nên không nắm được phương thức quản lý các dự án kinh tế. Luật sư Hướng tiếp tục đặt câu hỏi: Khi nhận được chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về việc không được góp vốn bằng GCN quyền sử dụng đất vì sẽ mất đất, với vai trò là Tư lệnh Quân chủng Hải quân (lúc đó), bị cáo đã làm như thế nào? Ông Hiến khai: Lúc đó bị cáo là chỉ huy cấp quân chủng nên ở dưới có rất nhiều thuộc cấp, lại có đơn vị tư vấn pháp luật nên khá yên tâm khi giao việc cho cấp dưới.
Đó là lý do sau khi nhận được thông báo của Bộ Quốc phòng, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến chỉ đạo cấp dưới làm văn bản kèm theo thông báo của Bộ Quốc phòng gửi xuống 13 đầu mối đơn vị liên quan, trong đó có Công ty Hải Thành. Ngoài việc khai là quá tin cấp dưới, ông Hiến còn cố giải thích bối cảnh thời điểm đó có những cái “khó” khiến bị cáo không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên công việc của đơn vị, trong đó có dự án liên doanh liên kết làm kinh tế bằng quyền sử dụng các lô “đất vàng”. Theo lời khai của ông Hiến, những năm bị cáo làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân thì còn là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, rồi còn theo học một lớp nghiên cứu sinh đặc biệt theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng... nên không có nhiều thời gian rảnh.
Dù đưa ra nhiều lý do để bào chữa, cố gắng gỡ cáo buộc của cơ quan công tố quân sự, nhưng ông Hiến vẫn thẳng thắn nhận lỗi đã không thường xuyên sâu sát, kiểm tra, giám sát cấp dưới để rồi để mất 3 lô đất quốc phòng. Trả lời câu hỏi của luật sư về việc có đồng tình với cáo buộc của VKS hay không, ông Hiến trả lời: Trong quá trình thực hiện dự án liên doanh, bị cáo chưa đủ sát sao, quyết liệt nên xin được nhận khuyết điểm. “Tôi nhận phần lỗi của mình và xin chịu trách nhiệm về phần lỗi của mình trước nhân dân, trước pháp luật và trước đồng đội”, ông Hiến thừa nhận.
Ý kiến của Quân chủng Hải quân
Trả lời trước tòa với tư cách bị hại, đại diện Quân chủng Hải quân khẳng định: Thời điểm xảy ra vụ án, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến là Tư lệnh, chịu trách nhiệm chung về mọi mặt hoạt động của quân chủng, trong đó có quản lý, sử dụng đất quốc phòng đảm bảo đúng mục đích, quy định. Về việc đưa ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng sang làm kinh tế, Quân chủng Hải quân đã xin ý kiến và được Bộ Quốc phòng chấp nhận. Song, Út “trọc” và một số bị cáo đã lừa chiếm đoạt luôn cả 3 lô đất quốc phòng. Đại diện Quân chủng Hải quân xác nhận thiệt hại của đơn vị là bị mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất nêu trên, thất thoát hơn 939 tỷ đồng (cáo trạng).
Đại diện bị hại cho biết thêm, riêng lô đất số 7-9 đã bị các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan lừa đảo chiếm đoạt giá trị quyền sử dụng đất rồi đem đi thế chấp ngân hàng, đến nay chưa thể giải chấp. Nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời, khu đất này có nguy cơ bị phát mại. Trước câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa về việc Quân chủng Hải quân đã bị lừa như thế nào, đại diện bị hại cho hay: Út “trọc” cùng các đồng phạm đã gian dối trong việc lập tờ trình gửi Bộ Tư lệnh Hải quân phản ánh năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã và đang thực hiện. “Chính vì tin tưởng, Quân chủng đã không thẩm tra năng lực tài chính, kinh doanh, nguồn nhân lực của Công ty Yên Khánh, từ đó chấp thuận về liên doanh với công ty này”, đại diện Quân chủng Hải quân trình bày.
Tuy nhiên, cho tới khi vụ việc vỡ lở, làm việc với CQĐT, Quân chủng mới biết tại thời điểm năm 2006, Công ty Yên Khánh mới thành lập được mấy tháng, năng lực yếu, không có vốn, thiếu nguồn nhân lực. Đặc biệt, Vũ Thị Hoan là Giám đốc công ty nhưng chỉ là một sinh viên đang học năm thứ nhất. Sau khi ký được hợp đồng liên doanh, Út “trọc” và các đồng phạm đã làm thủ tục chuyển GCN quyền sử dụng khu đất số 7-9 sang cho Công ty Yên Khánh Hải Thành (công ty liên doanh) và thế chấp tại ngân hàng. Đến nay, Công ty này không có khả năng trả nợ. “Đề nghị tòa buộc các bị cáo và công ty liên doanh phải trả lại quyền sử dụng đất cho Quân chủng Hải quân, buộc Công ty Hải Thành nộp trả hơn 939 tỷ đồng về cho Quân chủng quản lý, sử dụng...”, đại diện bị hại nêu yêu cầu.
Cậu cháu đổ tội cho nhau
Vốn là cậu cháu ruột, nhưng khi lâm vòng lao lý, để giảm nhẹ tội cho bản thân, Út “trọc” và Vũ Thị Hoan liên tục đổ lỗi cho nhau trước tòa. Vũ Thị Hoan khai: Bị cáo làm Giám đốc Công ty Yên Khánh từ năm 2005 đến năm 2017, nhưng chỉ làm vì mà không thực sự điều hành công ty này. Khi thành lập công ty, bị cáo Hoan mới 21 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất một trường đại học ở TP HCM và sống nhờ ở nhà cậu ruột là Đinh Ngọc Hệ. Lúc đó Út “trọc” đã nhờ bị cáo Hoan đứng tên hộ làm Giám đốc Công ty Yên Khánh. Vũ Thị Hoan khẳng định: Bị cáo không biết gì về việc điều hành công ty, tất cả do Út “trọc” và bị cáo Phạm Văn Diệt điều hành. “Tất cả mọi hoạt động của công ty đều phải thông qua ông Diệt. Ông Hệ dặn bị cáo cứ tin tưởng anh Diệt, tất cả giấy tờ trước khi bị cáo ký đều phải qua anh ấy”, Vũ Thị Hoan khai.
Liên quan việc Công ty Yên Khánh ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành của Quân chủng Hải quân để thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành, bị cáo Hoan khai rằng không trực tiếp đi làm nên không nhớ. Tại tòa, Vũ Thị Hoan liên tục khẳng định dù làm giám đốc nhưng không có khả năng, không hiểu luật, tất cả đều do Đinh Ngọc Hệ nhờ làm, đồng thời tin tưởng vào Phạm Văn Diệt nên bị cáo này đưa gì cũng ký mà không hưởng lợi gì. Vũ Thị Hoan cũng khẳng định không biết việc công ty sau đó đem GCN quyền sử dụng đất số 7-9 Tôn Đức Thắng cho 8 công ty thế chấp vay ngân hàng thời điểm năm 2013-2014, bởi đều do bị cáo Diệt và bộ phận tài chính của công ty làm. “Việc làm hồ sơ thế chấp lô đất 7-9 là do ông Hệ, ông Diệt, trước đó chị Mai Thị Mộc Kiều là Phó Phòng Tài chính làm hồ sơ”, Vũ Thị Hoan khẳng định.
Giống như bị cáo Hoan, Phạm Văn Diệt khi trả lời thẩm vấn cũng khai rằng bị cáo chỉ là người làm thuê, những việc lớn là đều do Út “trọc” chỉ đạo. Đối chất tại tòa, Đinh Ngọc Hệ nói bản thân không biết gì về Công ty Yên Khánh. Út “trọc” khai: Vũ Thị Hoan là con gái chị ruột của bị cáo, nhưng bị cáo không ngờ là Vũ Thị Hoan lại khai không đúng như vậy. Bị cáo Hệ khẳng định bản thân không có quyền lợi, lợi ích gì ở Công ty Yên Khánh, vì bị cáo chỉ làm ở Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). “Bị cáo quan hệ rộng, quen biết nhiều, lại hay thương người nên khi được nhờ sẽ giúp, nhất là cháu gái và Diệt”, Út “trọc” kể lể.