Sinh viên ra trường chật vật xin việc

NGỌC HÀ 01/10/2023 14:00

Với nhiều phương thức tuyển sinh đại học như thông qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển qua các chứng chỉ, thi đánh giá năng lực... đã mở ra cơ hội đỗ đại học cho nhiều người. Tuy nhiên không phải sinh viên ra trường là có việc làm, thậm chí là bằng xuất sắc.

Các trường đại học cần chú trọng công tác hướng nghiệp cho sinh viên.

Có bằng đại học là có việc làm?

Đa số sinh viên học chọn đại học là muốn có một công việc tốt cho tương lai. Tuy nhiên sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm, không được tuyển dụng đã quá quen trong những năm gần đây. Bởi thực tế không phải cứ đạt bằng giỏi, bằng xuất sắc là sẽ được làm công việc phù hợp với mong muốn.

Tốt nghiệp bằng xuất sắc tại một trường đào tạo về kinh tế ở Hà Nội, IELTS đạt 6.5, bạn Ngô Quốc Hưng (sinh năm 2001, Quảng Ninh) khá sốc khi tìm việc làm. Đa phần các công ty lớn đều yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm ít nhất 2 năm ở vị trí tương đương, trong khi đó Hưng vừa mới ra trường nên không đáp ứng được yêu cầu này. “Cứ ngỡ là học ngành hot, bằng đỏ ra trường là có việc làm với mức lương cao nhưng bây giờ tôi chỉ có thể chấp nhận làm thực tập sinh với mức lương 2,5 triệu/tháng ở một công ty nhỏ để lấy kinh nghiệm. Mong ước vào công ty lớn vẫn khá xa vời”, Hưng chia sẻ.

Bằng đỏ đã khó xin việc thì bằng khá lại càng khó khăn hơn. Vì thế nhiều sinh viên chấp nhận làm trái nghề với mức lương bèo bọt vì sợ nếu chê việc thì “đói”.

Tốt nghiệp đại học ngành xã hội học được hơn 1 năm nhưng đến nay Nguyễn Ngọc Hiền (sinh năm 2000, Hà Nam) đang làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng quần áo ở Hà Nội. Hiền cho biết công việc hiện tại chỉ đủ nuôi sống bản thân. Mặc dù rất mong muốn tìm được một công việc đúng ngành, đúng nghề, cũng đã chạy ngược chạy xuôi nộp hồ sơ liên tục tại các công ty, doanh nghiệp ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định nhưng không có kết quả. Vì thế Hiền buộc phải lựa chọn một công việc tạm thời để tự nuôi bản thân trong thời gian tìm việc làm ổn định.

Nếu như trước đây bằng đại học có giá trị cao thì nay đã bị “hạ giá”. Nhiều sinh viên tiếc nuối quãng thời gian 4 năm học đại học, sau khi ra trường có bằng trên tay nhưng lại thiếu nhiều điều kiện để được tuyển dụng. Tấm bằng đại học dường như trở nên vô nghĩa khi các nhà tuyển dụng thường ưu tiên người có kinh nghiệm làm việc.

Tuy nhiên, không nên nhìn sự việc một cách bi quan bởi không phải tất cả công ty, doanh nghiệp... đều dựa trên kinh nghiệm làm việc để tuyển dụng, chất lượng sinh viên cũng là điều mà họ rất quan tâm. Bởi vậy, để có được việc làm tốt, trước hết sinh viên cần chứng minh năng lực của mình.

Nêu lý do một số sinh viên tốt nghiệp đại học bằng giỏi, xuất sắc nhưng lại khó xin việc, ông Nguyễn Huy Hoàng - CEO Công ty TNHH Công nghệ Melisoft cho rằng, cần nhìn nhận rõ việc đạt bằng giỏi là do các bạn thực sự có kiến thức hay chỉ “cày” để lấy điểm tốt.

“Thứ mà doanh nghiệp cần là kiến thức để làm việc. Cho nên, nếu các bạn thực sự có kiến thức thì doanh nghiệp sẽ “trải thảm” mời các bạn đến. Còn nếu như học đơn thuần chỉ để lấy điểm giỏi, để có bằng giỏi khi ra trường thì thực ra doanh nghiệp không cần. Chúng tôi sẽ cần nhiều hơn ở những bạn có thể là bằng khá, nhưng có kiến thức chuyên môn, kiến thức sâu và có nhiều trải nghiệm về mặt công việc”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Thực vậy, không ít sinh viên 4 năm học đại học rất chăm chỉ để đạt GPA cao nhưng hầu như chỉ trú trọng vào học lý thuyết trên giảng đường. Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), trong quá trình học, các bạn chỉ tập trung học trên trường, chú trọng nhiều vào các môn học quan trọng, học kiểu mọt sách, khi kiểm tra sẽ dựa vào khả năng ghi nhớ để đạt điểm cao. Tuy biết nhiều thứ, hiểu lý thuyết nhưng lại thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết những vấn đề phức tạp, thiếu khả năng hội nhập nghề nghiệp và không rèn luyện được các phẩm chất cần thiết để làm nghề. Bởi vậy, khi va chạm với thực tế, họ dễ bị lúng túng, hoang mang khi đối mặt với thách thức khiến cho họ bỏ lỡ các cơ hội việc làm tốt.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp

Dẫu biết rằng bản thân mỗi sinh viên cần chú trọng việc học thực chất và tích lũy kinh nghiệm việc làm ngay khi ngồi trên giảng đường, nhưng bên cạnh sự nỗ lực tự thân của sinh viên, các trường đại học cũng cần có những phương án hướng nghiệp cho các em.

Từ số liệu của một cuộc khảo sát 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện cho thấy, 70% sinh viên chưa có định hướng cụ thể nào cho nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Bởi vậy tư vấn hướng nghiệp sẽ là điều rất quan trọng để giúp sinh viên định hướng rõ con đường sự nghiệp của bản thân.

Theo quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp của các cơ sở giáo dục. Trong đó đối với tư vấn nghề nghiệp, việc làm ở cơ sở giáo dục đại học cần: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin việc làm, tuyển dụng, yêu cầu về kỹ năng, thái độ của các nhóm nghề nghiệp, việc làm; thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành đào tạo. Hỗ trợ sinh viên trải nghiệm, làm quen với công việc thực tế tại đơn vị đối tác; hướng dẫn sinh viên tham gia việc làm thêm phù hợp với thời gian học tập và theo quy định của nhà trường. Hướng dẫn sinh viên khai thác cơ sở dữ liệu thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về nhu cầu thị trường lao động. Tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng cho sinh viên, tối thiểu 1 lần/trong năm học.

Vì vậy, các trường đại học cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho sinh viên, giải pháp này không chỉ góp phần cung cấp, trao đổi thông tin giữa giảng viên và người học, mà còn giúp sinh viên kết nối với nhà tuyển dụng, tạo cơ hội để sinh viên có thêm những trải nghiệm thực tế, tự nỗ lực, cố gắng rèn luyện hoàn thiện bản thân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên ra trường chật vật xin việc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO