Đến năm 2020, vẫn còn khoảng 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, thông tin được PGS. TS Bùi Văn Quân- Hiệu trưởng ĐH Thủ Đô đưa ra mới đây đang khiến xã hội lo lắng. Chẳng lẽ không có tương lai khi lựa chọn ngành sư phạm?
Bộc lộ nhiều yếu kém
Trong một cuộc hội thảo diễn ra mới đây các chuyên gia đã thẳng thắn đánh giá quá trình đào tạo và khẳng định nhiều tồn tại, yếu kém trong ngành sư phạm. Trong đó có nhận định cho rằng, không có học trò dở, chỉ có thầy giáo không đủ năng lực. Hoặc khẳng định, phương pháp dạy và học tập cũ, theo kiểu hí hoáy chép bài cả giờ học chính là nguyên nhân gây khó khăn trong việc phát triển tư duy phản biện và ứng dụng mô hình dạy học mới.
Thực tế này được ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ. Ông Đại cho biết, đội ngũ giáo viên mũi nhọn có đủ trình độ để làm những công việc như biên soạn chương trình bồi dưỡng… hiện nay rất khó tìm. Đặc biệt là khi chúng ta tiến hành đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. “Theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, đến năm 2018 chúng ta sẽ đổi mới thay sách giáo khoa (SGK). Nhưng các trường ĐH đã có chương trình đào tạo sinh viên để sau năm 2018 có đội ngũ giáo viên có thể dạy chương trình mới hay chưa, lại là câu hỏi. Riêng chương trình bồi dưỡng cho những giáo viên đang đứng lớp để năm 2018 có thể sử dụng SGK mới cũng đã khiến chúng tôi rất lúng túng. Bởi hiện nay chưa có một chương trình cụ thể, làm sao để cho giáo viên đang công tác có thời gian học tập để thay đổi SGK? Quan điểm của chúng tôi phải biết được chương trình thì mới có thể đào tạo được”…
Mong được “đặc cách”
Thực tế trên cũng đã được nhiều chuyên gia giáo dục mổ xẻ tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân được cho lớn nhất là chế độ đãi ngộ cho các giáo viên còn chưa thỏa đáng.
“Đúng là chúng ta phải xem lại chính sách bồi dưỡng giáo viên. Nếu không có một chính sách bồi dưỡng tốt thì sẽ khó thu hút được giáo viên có trình độ và phẩm chất. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng về cơ cấu giới trong ngành sư phạm. Tôi đã đi khảo sát số giáo viên mầm non hiện nay hầu như không có giáo viên nam giới, ngược lại ở các nước thì có. Tiểu học cũng gần như không có, hay THCS thì tỷ lệ rất thấp, và THPT thì hiện đang có khoảng 18% giáo viên nam”- ông Đại nói.
Cùng quan điểm trên, GS.TS Đinh Quang Báo- nguyên Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội mong muốn, ngành sư phạm sẽ được “đặc cách” như lực lượng công an, quân đội. “Giáo dục lẽ ra cũng nên được xem là một yếu tố để đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh trí tuệ, an ninh con người... Nếu nhà nước cũng có quy hoạch đội ngũ giáo viên chặt chẽ như lực lượng quân đội, công an thì tôi nghĩ chắc chắn việc đào tạo giáo viên sẽ khởi sắc”.
Phát triển bằng quy hoạch đào tạo giáo viên
Tiếp tục nêu quan điểm, ông Báo nói: Chỉ cần đào tạo ra có việc làm, gắn sao ngay thì chắc chắn sẽ rất nhiều người giỏi vào hệ thống sư phạm. Bởi vì bây giờ ra trường không có việc làm thì người ta cũng sẽ không vào. Chúng ta có cố gắng đến mấy thì cũng sẽ không có đồng loạt để chúng ta đào tạo ra những người giáo viên có chất lượng cao. Cái đấy là những yếu tố tôi cho cần đổi mới.
Theo ông Báo, Bộ GD&ĐT cơ quan quản lý cấp vĩ mô phải có quy hoạch đào tạo giáo viên, và muốn quy hoạch được thì phải thiết kế một tổ chức hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Hệ thống ở đây không phải là tập hợp thật nhiều các cơ sở mà là hệ thống có yếu tố cấu trúc, chức năng, để có thể làm được rất nhiều việc lớn cho ngành giáo dục, cũng như cho chính các cơ sở đào tạo giáo viên. Chương trình và SGK mới chúng ta đang xây dựng nhưng Bộ đang rất thiếu chuyên gia. Nếu chúng ta quản lý hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên với các yếu tố là cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo cán bộ quản lý… thì tôi nghĩ chúng ta sẽ có đội quân nhân lực mà có thể tìm được ngay. Chính dùng nhân lực của sự tập hợp ấy thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề vĩ mô cho ngành.
Được biết, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo, đặc biệt là hệ thống đào tạo giáo viên này cũng đang là vấn đề mà Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Và trong thời gian ngắn nữa, Bộ sẽ có quy hoạch chính thức cho hệ thống các trường sư phạm theo hướng tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng.