Liên tiếp 10 ngày qua, dịch Covid-19 tại Hà Nội có chiều hướng giảm sâu kèm theo đó là tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong cũng như tỷ lệ người phải nhập viện giảm theo. Không ít các nhân viên y tế như được “thở phào nhẹ nhõm” vì những ngày qua, số bệnh nhân nhập viện giảm mạnh. Tuy nhiên, không ít người dân xuất hiện tâm lý chủ quan với dịch bệnh.
PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
PV: Ông có thể đưa ra những nhận định về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội hiện nay?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tiếp giảm, đó là những dấu hiệu rất đáng mừng cho thấy, Hà Nội đã qua đỉnh dịch. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể chủ quan, lơ là phòng dịch.
Hiện nay, các hoạt động tại Việt Nam đã quay trở lại bình thường. Thay vì “Zero Covid”, cả nước đã và đang chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức phòng dịch của người dân giữ vai trò rất quan trọng, đây là yếu tố quyết định trực tiếp hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp hạn chế dịch lây lan, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế.
Cần nhớ rằng, mặc dù tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ đang chiếm khoảng 97% và số ca mắc trên cả nước cũng đang giảm nhẹ trong những ngày qua. Tuy nhiên, hàng ngày, vẫn ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Đơn cử như từ 17h30 ngày 20/3 đến 17h30 ngày 21/3, cả nước ghi nhận 69 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.949 ca. Do đó, người dân không nên có tâm lý chủ quan với dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, không ít người dân đã có tâm lý ai rồi cũng thành F0. Đây là tâm lý rất nguy hiểm, Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây nhiễm cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý này.
Không chỉ vậy, các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng, ngay sau khi đã khỏi bệnh, bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với các triệu chứng và di chứng như: Rối loạn tâm lý, trầm cảm, trí nhớ giảm sút, ho, sốt, khó thở, mệt mỏi, xơ phổi, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác hoặc khứu giác…
Do đó, mỗi người dân cần tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều; cảnh giác trong phòng dịch để bản thân không mắc Covid-19. Đây là cách tốt nhất để mỗi người bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội
Đồng thời, bộ phận người dân lại cho rằng đã tiêm nhiều vaccine phòng Covid-19 thì nếu bị mắc bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Đây cũng là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vaccine chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.
Quan điểm của ông về việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B? Đây có phải một bước đi đúng đắn phù hợp với chiến lược phòng, chống Covid-19 của nước ta trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng, quan điểm được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 là rất đúng và hợp lý. Chúng ta cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh từ nhóm A sang nhóm B. Chúng ta phải làm sao để vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa làm được kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết.
Tuy nhiên, để đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A và đưa vào nhóm B thì cần có những điều kiện nhất định. Cụ thể, thứ nhất, dịch Covid-19 có gây bùng phát mạnh hay không, có xuất hiện các biến chủng nữa không? Thứ hai, tình hình chuyển nặng và tử vong có lớn không, có gây quá tải hệ thống y tế hay không? Thứ ba, phải căn cứ vào khả năng đáp ứng về y tế, hiệu quả của vaccine, thuốc điều trị; Thứ tư, phải xem dịch có ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội, an sinh của người dân hay không.
Chúng ta đang thích nghi linh hoạt với dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng vaccine đã đạt mức cao. Song, không thể sử dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 giống với các bệnh thuộc nhóm B thông thường như bệnh cúm, ho gà, lao phổi…, mà phải có những biện pháp phòng, chống dịch hợp lý, đặc thù.
Cụ thể hơn, có thể chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng tùy vào tình hình dịch tễ cụ thể (tỷ lệ bệnh nhân trở nặng, số ca tử vong) ở những địa bàn cụ thể mà chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp phòng, chống nhất định như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Có thể nói, với Covid-19, cách thức chống chọi phải được áp dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, không rập khuôn, cứng nhắc theo lý thuyết.
Trân trọng cảm ơn ông!