Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2022); tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022 (không ghi nhận mắc). Vì sao sốt rét tăng nhanh như vậy?
Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, bệnh nhân mắc sốt rét tập trung ở đối tượng dân di biến động (đi rừng, đi rẫy và ngủ lại, người làm thuê theo mùa vụ, dân từ địa phương khác đến…), đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh sốt rét.
Cùng với đó, hoạt động quản lý bệnh nhân sốt rét tại tuyến y tế xã và thôn ở Khánh Hòa hiệu quả chưa cao, muỗi gây bệnh sốt rét kháng với một số hóa chất diệt côn trùng ngày càng nhiều. Đồng thời, vì ca mắc bệnh sốt rét những năm trước giảm nên một số người còn lơ là, chưa có ý thức phòng bệnh.
Cục Y tế dự phòng, (Bộ Y tế) nhận định, kết quả kiểm tra cho thấy địa bàn thuộc vùng sốt rét lưu hành nhiều có điều kiện địa lý miền núi và kinh tế khó khăn; số người dân đi nương rẫy, khai thác nông lâm sản cao nhưng việc chủ động phát hiện ca bệnh, ổ bệnh, quản lý các đối tượng mắc và nguy cơ sốt rét vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, công tác truyền thông phòng, chống sốt rét còn hạn chế.
BS Phạm Hồng Thuyết - Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, sốt rét lây truyền qua vectơ trung gian là muỗi Anophen. Sự ảnh hưởng của bệnh trực tiếp tác động đến các tế bào máu của người bệnh. Ký sinh trùng lấy chất dinh dưỡng từ tế bào máu, đẩy nhanh quá trình phát triển của nó. Bệnh sốt rét ảnh hưởng chủ yếu đến những khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới và có thể lưu hành quanh năm.
Các triệu chứng của bệnh sốt rét bao gồm: Sốt cao, đau đầu, nôn mửa, mệt mỏi và đau cơ, thường xuất hiện sau khoảng từ 8-25 ngày sau khi bị muỗi đốt. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng sưng phù và kém hấp thụ trong suốt thời gian bệnh diễn tiến. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Báo cáo mới nhất về bệnh sốt rét của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, các ca sốt rét có xu hướng gia tăng. Vào năm 2021, thế giới ghi nhận 247 triệu ca, tăng so với 245 triệu ca trong năm 2020 và 232 triệu ca trong năm 2019.
Để tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát bệnh sốt rét, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Lai Châu và Khánh Hòa chỉ đạo triển khai tổng hợp, phân tích tình hình bệnh sốt rét, xác định rõ nguyên nhân làm gia tăng ca mắc và đánh giá nguy cơ mắc sốt rét trên địa bàn. Các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát, chẩn đoán phát hiện, điều trị đúng phác đồ để hạn chế nguy cơ sốt rét nặng và tử vong, khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh và hạn chế lây lan ra cộng đồng…
Để không mắc bệnh sốt rét, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét. Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ…
Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được tư vấn phòng, chống bệnh sốt rét và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời..