Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng

Đức Trân 24/05/2023 07:31

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng. Tính từ ngày 12 đến 19/5, Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc SXH (tăng 4 ca so với tuần trước đó).

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho người dân. Ảnh: TL.

Số ca mắc tăng 7 lần so với cùng kỳ

Cũng theo CDC Hà Nội, từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã ghi nhận 268 ca mắc SXH - tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 147/579 xã, phường, thị trấn.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Trong 4 tuần gần đây, số ca mắc SXH ghi nhận có xu hướng tăng. Dự báo, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch sớm, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Ông Bùi Văn Hào - Giám đốc CDC Hà Nội nhận định, tình hình dịch SXH có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.

Trước đó, vào năm 2022, Hà Nội ghi nhận 19.779 ca mắc, dịch SXH có xu hướng tăng từ tuần 30; vượt ngưỡng cảnh báo dịch ở tuần 35 và đạt đỉnh dịch vào tuần 44; duy trì ở mức cao và giảm nhanh từ tuần 49. Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; số mắc khu vực ngoại thành chiếm 53,1%, nhiều hơn ca mắc ở khu vực nội thành chiếm 46,9%.

Theo ông Hào, SXH thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 hoặc 2 ngày đầu.

Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng.

Bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường. Các bác sĩ khuyến cáo SXH diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.

Thận trọng khi dùng thuốc điều trị sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia y tế, lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt khi mắc SXH là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h. Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị SXH do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.

Lưu ý việc bù đủ lượng dịch cho bệnh nhân SXH cần theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt không nên truyền dịch tại nhà. Những ngày đầu của bệnh việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân có thể ăn uống được, nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống nước hoa quả, nước lọc…

Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp... Từ ngày thứ 6 của bệnh nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng, chống bệnh SXH người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị SXH nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO