Sở GTVT vừa có đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt, bố trí lại điểm dừng xe buýt tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt để tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt.
Sở GTVT TP Hà Nội vừa có Văn bản số 416/TTr-GTVT trình UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân”.
Theo Sở GTVT, hiện TP Hà Nội đang có 3.813 điểm dừng xe buýt (361 điểm dừng có nhà chờ), mật độ 1,1 điểm/km2, phục vụ cho hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt.
Cụ thể, khu vực nội thành có tổng số 1.152 điểm (cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 630 m; mật độ 3,8 điểm/km2, bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500 m).
Hiện nay, tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500 m đạt khoảng 80%, một số khu vực tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ > 500 m do hệ thống đường giao thông có mặt cắt nhỏ không thể tổ chức dịch vụ xe buýt.
Khu vực ngoại thành gồm 2.661 điểm (cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 900m; 0,8 điểm/km2, các điểm dừng chủ yếu bố trí trên những đường trục chính: Quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện). Tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500 m đạt khoảng 30%.
Theo Sở GTVT, hệ thống biển báo điểm dừng xe buýt hiện nay được lắp đặt hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế hạ tầng giao thông, nhu cầu đi lại của hành khách và thuận lợi cho vận hành xe buýt trên cơ sở ý kiến khảo sát của liên ngành và được điều chỉnh hợp lý sau khi có phản hồi của hành khách.
Hệ thống hạ tầng xe buýt hiện nay nhìn chung mức độ bao phủ và khả năng kết nối là khá tốt, phù hợp với điều kiện hạ tầng và tổ chức giao thông chung của Thành phố (kết quả khảo sát 2.000 hành khách cho thấy khoảng gần 30% hành khách thực hiện chuyển tuyến khi sử dụng xe buýt, trên 50% số hành khách phải chuyển tuyến đánh giá khả năng chuyển tuyến là thuận lợi). Tuy nhiên, bên cạnh đó hệ thống hạ tầng xe buýt vẫn có những tồn tại.
Ví dụ: Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 10%) dẫn đến hạn chế về chất lượng dịch vụ, gây bất tiện cho hành khách, đặc biệt những hành khách chờ chuyển tuyến.
Chưa phát triển loại hình Park & Ride do vậy chưa thu hút được nhóm hành khách sử dụng phương tiện cá nhân trung chuyển sang phương tiện công cộng (hành khách vẫn phải đi bộ xa hoặc phải bố trí quá nhiều điểm dừng xe buýt tiếp cận hành khách làm tăng thời gian chuyến đi, giảm vận tốc khai thác). Trong khi nhiều khu vực khả năng tiếp cận bị hạn chế bởi những đường, ngõ nhỏ trong khu vực nội đô hoặc nằm tại các thôn, xóm xa các đường trục chính tại khu vực ngoại thành.
Nhiều điểm dừng xe buýt không có vạch sơn cho người đi bộ qua đường, đa số các điểm dừng bố trí xa nút giao, điểm quay đầu, do vậy không thuận lợi cho hành khách. Thông tin dịch vụ xe buýt trên hệ thống hạ tầng còn hạn chế…
Số lượng điểm trung chuyển xe buýt còn ít và tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành.
Chưa có quy định cụ thể về về quản lý, đầu tư, khai thác, sử dụng hạ tầng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt công tác phát triển mạng lưới VTHKCC của TP, tăng khả năng tiếp cận xe buýt của người dân tạo thuận lợi trong sử dụng phương tiện công cộng; phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của các đề án đang triển khai “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”; “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Sở GTVT đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt (nâng tổng số điểm dừng xe buýt lên khoảng 6.500 điểm, tăng từ 65 - 70% so với hiện nay), bố trí lại điểm dừng xe buýt tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt để tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt.
Rút ngắn cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị trong khoảng 300 – 600 m, khu vực khác điểm dừng xe buýt được ưu tiên bố trí gần khu dân cư, tiếp cận gần đường, ngõ kết nối vào thôn, xóm.
Ngoài ra, bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng tích hợp tiếp cận gần các nhà ga ĐSĐT, điểm trông giữ phương tiện cá nhân đảm bảo cự ly trung chuyển giữa các loại hình < 200 m.
Đồng thời, Sở GTVT nghiên cứu giải pháp bố trí điểm dừng xe buýt gần các nút giao để giảm tối đa quãng đường đi bộ trung chuyển giữa các tuyến buýt, đảm bảo an toàn cho hành khách qua đường thông qua hệ thống hạ tầng cho người đi bộ tại các nút giao ( vạch sơn, đèn tín hiệu....)
Bên cạnh đó, tập trung phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt nâng tổng số điểm trung chuyển xe buýt của TP lên 21 điểm, phân bố đều trên địa bàn.
Để kết nối hạ tầng xe buýt với phương tiện cá nhân, Sở GTVT đề xuất tổ chức 53 điểm Park & Ride để người dân có thể gửi phương tiện cá nhân trung chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, nâng cao khả năng tiếp cận phương tiện xe buýt của người dân nằm ngoài phạm vi đi bộ hợp lý hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân khi tới các khu vực hạn chế hoạt động của xe máy, khu vực thu phí phương tiện cơ giới.
Theo đó, kinh phí để thực hiện đề án là 357,55 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu đầu tư Nguồn ngân sách Thành phố: 48,25 tỷ đồng, thực hiện các nội dung lắp đặt mới biển báo điểm dừng đỗ xe buýt, nhà chờ xe buýt khu vực ngoại thành.
Nguồn xã hội hóa: 309,3 tỷ đồng, thực hiện các nội dung đầu tư nhà chờ khu vực nội thành, các điểm trung chuyển và các điểm Park & Ride.