Tại dự án thành phần 2, thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24 Kon Tum, Bộ Giao thông Vận tải đã ra tới 5 văn bản nghiêm khắc phê bình Sở Giao thông vận tải Kon Tum nhưng dự án vẫn chậm tiến độ.
Được biết, dự án trên có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum; nâng cao năng lực khai thác nhằm phát huy vai trò của tuyến đường ngang nối quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - dân sinh cũng như củng cố thế trận bảo vệ an ninh - quốc phòng cho khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Dự án thành phần 2 là dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24 thuộc danh mục các dự án hết sức quan trọng rất cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, giao Sở Giao thông vận tải Kon Tum làm chủ đầu tư dự án.
Dự án có tổng chiều dài tuyến 31,3 km nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum được khởi công từ năm 2020, theo kế hoạch phải hoàn thành tháng 7-2021. Dự án được chia làm 3 gói thầu. Gói thầu số 04: Thi công xây dựng công trình đoạn: Km89+513,64 - Km102+323,34; Gói thầu số 05: Thi công xây dựng công trình đoạn: Km102+323,34 -Km113+588,52; Gói thầu số 06: Thi công xây dựng công trình các đoạn: Km130+323,10 - Km135+00; Km137+00 - Km139+540; Km156+800 - Km157+200; Km160+500 - Km163 (đầu tư 1/2 bên trái tuyến còn lại).
Ba gói thầu đều có mặt của “cặp bài trùng” liên danh Công ty CP Trường Long - Công ty CP xây dựng công trình Sông Hồng- Công ty CP cầu đường New Sun. Đây là các nhà thầu từng bị báo chí phản ánh có nhiều hạn chế.
Thực tế, tại công trường ở các dự án thuộc các gói thầu trên hiện nay đều bị chậm tiến độ, thi công kém thẩm mĩ, chất lượng xấu… Câu hỏi được đặt ra quy trình đánh giá nhà thầu khi tổ chức đấu thầu đã được diễn ra như thế nào? Năng lực nhà thầu ra sao khi có nhiều phản ánh bất cập vẫn được trao nhiều gói thầu tại cùng thời điểm? Chủ đầu tư có vướng mắc gì khi cứ lúng túng trong điều hành, để tình trạng các dự án bị trì trệ, giải ngân kém, không đạt kế hoạch đã được giao, có những dự án kế hoạch giải ngân chỉ đạt 5% như dự án có quy mô lớn như Hồ chứa nước Đăk Pokei (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) với tổng mức đầu tư là 533 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân đạt 5%.
Dự án chậm tiếp theo phải kể đến là dự án cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện Ia H’Drai; dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy tỉnh Kon Tum; gói thầu KT-CW-02 dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới - Tiểu dự án tỉnh Kon Tum…
Để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, sớm hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đề ra, từ tháng 3/2020 Bộ Giao thông vận tải đã có 5 văn bản nhắc nhở, họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Kon Tum nhưng đến nay không hề có chuyển biến mặc dù theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải, dự án đa số đã giải phóng mặt bằng 100%, sản lượng thi công của các nhà thầu trên chỉ đạt khoảng 27,6%; lũy kế giá trị giải ngân từ đầu dự án 383,4 tỷ trong số 659,8 tỉ đồng, đạt 58% tổng số kế hoạch đã bố trí.
Riêng năm 2021 được bố trí 295 tỷ đồng kế hoạch năm 2021 và 23 tỷ đồng kế hoạch vốn kéo dài nhưng đến hết tháng 5/2021 mới giải ngân được 42 tỷ trong số 318 tỷ đồng, đạt 13%.
Theo tiến độ dự án đã được để ra phải hoàn thành vào tháng 7/2021, thời gian còn lại khoảng 40 ngày nhưng khối lượng dự án phải thực hiện còn rất lớn, khoảng 72%. Bởi vậy Bộ Giao thông vận tải đánh giá dự án không có khả năng hoàn thành.
Trước tình hình rất cấp bách trên, Bộ Giao thông vận tải đã phê bình Sở Giao thông vận tải Kon Tum trong việc tổ chức quản lý thực hiện dự án, chưa quyết liệt chỉ đạo, bám sát kế hoạch đã đề ra. Dự án nếu không hoàn thành sẽ yêu cầu Sở Giao thông vận tải Kon Tum kiểm điểm, đánh giá làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cá nhân, tập thể gây chậm trễ tiến độ.
Bộ giao thông vận tải đang xem xét, cân nhắc báo cáo Thủ tướng cắt giảm vốn đã bố trí cho dự án thành phần 2: dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24 bàn giao các hạng mục còn lại chưa thi công cho địa phương để tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn tự cân đối từ ngân sách địa phương. Nếu để điều này xảy ra sẽ tạo ra một áp lực rất lớn đối với chính quyền tỉnh Kon Tum vì phải cân đối ngân sách với số tiền đầu tư không hề nhỏ.
Có một thực tế, để dẫn đến dự án nguy cơ bị đổ bể thông thường là do năng lực nhà thầu yếu kém. Vì vậy ngay từ lúc đánh giá năng lực nhà thầu, chủ đầu tư cần xem xét khách quan, thấu đáo, lắng nghe những ý kiến phản ánh từ dư luận để chọn được những nhà thầu có năng lực thực sự để thực hiện.