Trong những năm qua việc số hoá các di sản, bảo vật, hiện vật… tại bảo tàng đang xu hướng nhằm tiếp cận người xem. Tuy nhiên, với sự chuyển mình của công nghệ việc thích ứng này vẫn còn khá chậm chạp.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức đợt trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý” bằng công nghệ thực tế ảo từ kết quả nghiên cứu của nhóm SEN Heritage. Đây có thể được xem một dự án số hoá được đầu tư bài bản trong việc gắn kết di sản và công nghệ.
Thông qua kính 3D người xem được chiêm ngưỡng mô hình phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột và chùa Diên Hựu thời Lý bằng hình ảnh tranh 3D, phim 3D, sản phẩm công nghệ thực tế ảo (VR3D)... Không những vậy thông qua công nghệ này, người xem còn được tìm hiểu một thực tế ảo về vị trí, hình thái kiến trúc, quy mô của chùa tháp Một Cột - Diên Hựu...
Trong những năm gần đây việc sử dụng công nghệ trong các bảo tàng đang trở thành công cụ hữu hiệu trong việc gắn kết, đặc biệt với giới trẻ. Cũng theo xu hướng này, nhiều địa chỉ triển lãm trực tuyến, triển lãm 3D đã ra mắt công chúng và có sức hấp dẫn, thu hút người xem khá đông trên mạng như Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long ra mắt người xem triển lãm trực tuyến ảo 360 độ “Di tích cách mạng nhà và hầm D67”; chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu trực tuyến trên website; các triển lãm 3D của Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Đặc biệt, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ là Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Khi truy cập vào website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khách tham quan sẽ thấy hiện lên nội dung “Tham quan 3D”. Tại đây, bảo tàng đã xây dựng bốn nội dung tham quan trực tuyến là Việt Nam thời tiền sử, Văn hóa Ðông Sơn, Triều Ngô - Ðinh - Tiền Lê - Lý - Trần và Óc Eo - Phù Nam.
Theo chia sẻ của Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn: Sau một thời gian triển khai, hiện tại, một bộ phận công chúng đã dần quen với thao tác sử dụng công nghệ, qua điện thoại, máy tính để truy cập và thưởng lãm những cuộc trưng bày online, tương tác ảo. Nhiều cuộc triển lãm, người quan tâm chỉ ngồi một chỗ vẫn có thể nhìn ngắm, nghiên cứu về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng.
Khoảng cách giữa các hiện vật trong bảo tàng với công chúng đã được thu hẹp. Chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể hiện lên trước mắt những kho báu di sản, những cuộc triển lãm chuyên đề, có thuyết minh, âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên hết sức sống động, thú vị.
Tuy nhiên, việc số hoá ở bảo tàng vẫn còn chậm và đi sau so với sự phát triển chung. Các đơn vị bắt tay vào thực hiện xây dựng bảo tàng “ảo” tại Việt Nam rất ít. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, khá khó hiểu khi đa số bảo tàng trong nước vẫn duy trì hình thức trưng bày thực tế như nhiều thập kỷ đã qua.
Như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho đến nay vẫn chưa áp dụng công nghệ trên website của bảo tàng để giúp du khách tham quan các hoạt động và hiện vật từ xa. Được biết, xu hướng thực hiện bảo tàng “ảo” 3D đã được đơn vị nắm bắt và xây dựng dự án.
Nhưng đơn vị này cho rằng việc triển khai cần hết sức thận trọng và muốn đánh giá hiệu quả thực sự của mô hình bảo tàng “ảo” dựa trên nền tảng phát triển của công nghệ. Từ đó sẽ đề xuất các hướng khai thác cho phù hợp với thực tế hoạt động.
Hay như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – đơn vị hàng đầu của cả nước về trưng bày tác phẩm nghệ thuật hiện nay vẫn chưa tiến hành trưng bày 3D cũng như xây dựng bảo tàng “ảo”. Các triển lãm được đưa lên fanpage hay website của bảo tàng cũng chỉ dừng lại ở việc đưa tác phẩm của các danh họa kèm theo chú thích bằng hình thức trưng bày đơn giản.
Cách làm này dù đã có sự đầu tư nhưng tính hiệu quả chưa thực sự cao. Theo ông Nguyễn Anh Minh- Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Bảo tàng không gặp khó khăn ở kinh phí thực hiện nhưng lại gặp khó khăn ở nội dung trưng bày. Việc thống nhất được nội dung đưa lên online vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ đội ngũ chuyên môn cũng như giới nghiên cứu.
Không chỉ câu chuyện về công nghệ, việc chuyển các hiện vật thật thành các sản phẩm ảo cũng tạo ra nhiều tranh cãi. Như dự án “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý” mới ra mắt đã bị đánh giá là “lai căng” và xa lạ với kiến trúc truyền thống.
Về vấn đề này, theo TS Trần Trọng Dương, đại diện nhóm tác giả công trình lý giải, nhiều người nhận xét trải nghiệm công trình có thắc mắc sao kiến trúc Việt lại to lớn thế, hùng vĩ thế? Về quy mô, ngoài những dữ liệu sử học, những phát hiện khảo cổ, nhất là khảo cổ Hoàng thành cho thấy có công trình thời Lý lớn hơn nhiều so với kiến trúc sau này.
Chúng ta không nên “mặc định” truyền thống của người Việt là thế này, thế kia. Cái nhiều người “mặc định” kiến trúc truyền thống thật ra là kiến trúc Lê Trung hưng và Nguyễn. Truyền thống không có nghĩa là bất biến. Mỗi thời đại sẽ có những đặc trưng khác nhau. Nhưng những đặc trưng đó đều của văn hóa Việt, do bàn tay người Việt tạo ra…
Có thể nói việc số hoá đang là một yêu cầu cần và đủ cho sự phát triển của ngành bảo tàng hiện nay. Bản thân từng bảo tàng muốn thu hút công chúng cần phải có định hướng và thay đổi mạnh trong lĩnh vực này. Ở đó, bài toàn trước mắt không chỉ là vấn đề về kinh phí, con người mà cần phải nắm bắt nhu cầu của chính công chúng.