Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội khá đặc thù, phần lớn là nhóm cao tuổi, bảo trợ xã hội. Trong khi đó, việc số hóa chi trả an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn.
Hơn 1 triệu người được chi trả qua tài khoản
Đánh giá việc triển khai Đề án 06, Bộ LĐTBXH cho biết, với lĩnh vực bảo trợ xã hội, đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu đã có hơn 3,7 triệu đối tượng, trong đó có gần 3,3 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp đã được cấp định danh cá nhân/căn cước công dân, và gần 2,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng đã được xác thực thành công qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ dữ liệu của 63 tỉnh, thành phố, Bộ đã tiếp nhận và quản lý dữ liệu của khoảng 1,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo, tương đương 7,5 triệu người. Đồng thời, đã xác minh, bổ sung căn cước công dân, hoặc mã định danh cho hơn 5,5 triệu người thuộc các hộ nêu trên. Cũng từ tháng 9/2023, cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo chính thức được thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đáng chú ý, đối với việc triển khai Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ đã ban hành 8 văn bản nhằm hướng dẫn, đôn đốc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tới 63 tỉnh, thành phố; tổ chức một hội nghị quán triệt, tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến 63 Sở LĐTBXH.
Tính đến nay, tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành Lao động quản lý tại các tỉnh, thành phố là hơn 5 triệu người. Trong đó, đã thực hiện rà soát được hơn 4,7 triệu người (chiếm tỷ lệ trên 94% tổng số đối tượng quản lý).
Tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là trên 1,8 triệu người (chiếm tỷ lệ 36,03% tổng số đối tượng quản lý); gần 1,1 triệu người đã được chi trả qua tài khoản (chiếm tỷ lệ 60,30% tổng số đối tượng đã có tài khoản). Tổng kinh phí đã thực hiện chi trả từ tháng 1/2023 đến nay là gần 3,5 nghìn tỷ đồng.
Phấn đấu chi trả qua tài khoản đạt 30%
Dù có nhiều tiện ích mang lại, song bà Vũ Thị Thanh Hà - Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ LĐTBXH) cho biết, ngành Lao động và lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác chi trả, do đối tượng quản lý khá đặc biệt.
Theo bà Hà, phần lớn người đang hưởng trợ cấp xã hội, người cao tuổi thường khó thay đổi quan điểm khi nhận tiền trợ cấp. Hay các đối tượng nhận bảo trợ thường không có điều kiện mua điện thoại thông minh.
“Dù chúng tôi đã tích cực vận động, thế nhưng ở rất nhiều địa phương, người hưởng trợ cấp xã hội và các nhóm đối tượng cần bảo trợ xã hội vẫn có thư bày tỏ nguyện vọng kiến nghị được nhận tiền mặt thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả để đến các bưu cục nhận” - bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, qua thực tế ghi nhận, tỷ lệ đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản rất nhiều, đặc biệt là những người già yếu, mất khả năng kiểm soát về tinh thần, hoặc người khuyết tật không có vân tay, người chưa được cấp căn cước công dân… Đây là những khó khăn để thực hiện tỷ lệ 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản. Trước thực tế này, Bộ LĐTBXH tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị giải pháp để xử lý theo từng nhóm đối tượng. Những đối tượng nào đủ điều kiện mở tài khoản thì vận động ngay để hưởng dịch vụ chi trả qua tài khoản.
“Phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định” - bà Hà nhấn mạnh.
Theo thiếu tá Đào Đình Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06), Bộ Công an, để hoàn thiện quy trình chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID, Bộ Công an, C06 cùng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTBXH, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị, địa phương đã hoàn thiện quy trình và xin ý kiến thống nhất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và UBND các địa phương cùng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức và thụ hưởng những tiện ích rất thuận tiện qua ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.
Về góc độ pháp lý, hiện nay việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai. Quá trình chi trả liên quan đến rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, tổ chức ngân hàng, do vậy, phải bảo đảm về an ninh, an toàn hệ thống cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Hiện nay, hoạt động chi trả an sinh xã hội được thực hiện thông qua công chức văn hóa - xã hội cấp xã từ ngày 1 - 10 hàng tháng tại trụ sở xã; thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả (bao gồm các đối tượng có tài khoản thanh toán và chưa có tài khoản thanh toán; chi trả trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cấp huyện đến trực tiếp tài khoản đối tượng thụ hưởng).