Có thể nói, bà Dương Thị Chung là một trong những vị phu nhân có hoàn cảnh hết sức đặc biệt và éo le của những nhà cách mạng tiền bối, những người từng giữ vai trò, vị trí quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời bà hầu như chỉ có lo lắng và căng thẳng cho số phận của chồng, con không có lấy một ngày bình an cho bản thân mình.
Bà Dương Thị Chung, phu nhân cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
cùng hai người con là ông Nguyễn Hữu Châu và bà Nguyễn Thị Thủy. (Ảnh: Quốc Định).
Được đào tạo trong môi trường giáo dục Pháp, trên đất Pháp, hành nghề luật sư dưới chế độ thuộc địa Pháp, hẳn ai cũng nghĩ Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ sẽ gắn bó với nước Pháp, để tiến thân. Nhưng LS Nguyễn Hữu Thọ đã đến với cách mạng, với những người cần lao một cách tự nhiên, lòng yêu nước và nghĩa đồng bào. Dấn thân và hy sinh cho đất nước, ông không có được những điều lẽ ra mọi người bình thường đều phải có: công việc ổn định, gia đình êm ấm và cuộc sống bình an.
Ông Nguyễn Hữu Châu, trưởng nam của cố LS Nguyễn Hữu Thọ, tâm sự: “Cách đây khoảng 20 năm, trước khi rơi vào tình trạng hôn mê, cha chúng tôi kịp trối lại rằng cuộc đời cha trải qua biết bao thăng trầm, nhưng dù thế nào, mẹ và ba con Trân, Châu, Thủy là những người cha yêu thương và cũng là những người yêu thương cha nhất. Điều cha ân hận là không có điều kiện chăm sóc đầy đủ cho các mẹ con”. Trong suốt cuộc đời hoạt động, LS Nguyễn Hữu Thọ đã có khoảng 36 năm không được gần gũi vợ con, theo lời kể của ông Phạm Văn Uyển- thư ký duy nhất của cố LS. Tuy nhiên, cũng theo ông Châu: “Điều an ủi lớn nhất đối với tất cả các thành viên trong gia đình là cha chúng tôi đã hy sinh, cống hiến gần cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Lịch sử, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhớ công ơn của cố LS Nguyễn Hữu Thọ đã đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, song ít người có cơ hội tìm hiểu cuộc sống riêng và những hy sinh thầm lặng mà bản thân ông cũng như nhiều thành viên trong gia đình ông đã trải qua. Trong đó có người bạn đời mà hầu hết thời gian gần như là sống xa nhau: bà Dương Thị Chung- phu nhân của cố LS Nguyễn Hữu Thọ.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật tại Pháp năm 1932, LS Nguyễn Hữu Thọ về nước hành nghề, lập văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho. Cũng trong thời gian ấy, ông bắt đầu làm quen với một nữ sinh Trường Áo Tím ở Sài Gòn (nay là Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai). Đó là cô Dương Thị Chung, sinh năm 1922, con gái của Đốc phủ sứ Dương Văn Hòa và bà Lâm Thị Phụng ở Sa Đéc.
Năm 1940 hai người kết hôn và chuyển về sống và mở văn phòng luật tại Vĩnh Long, Cần Thơ. Trong khoảng thời gian đó, ông bà có được 3 người con, lần lượt là: Nguyễn Phương Trân, Nguyễn Hữu Châu và Nguyễn Thị Thủy.
Theo ông Châu, đó chính là khoảng thời gian ít ỏi trong đời LS Nguyễn Hữu Thọ được sống yên lành, hạnh phúc bên gia đình. Không ít người nghĩ rằng hạnh phúc trong hôn nhân, gia đình, sự nghiệp đang thăng tiến của LS Nguyễn Hữu Thọ sẽ giữ chân ông cộng tác với chính quyền thực dân đang rất ưu đãi và tạo điều kiện cho ông. Ngay sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, năm 1946 chính quyền thực dân đã bổ nhiệm LS Nguyễn Hữu Thọ làm Chánh án Toà Dân sự tỉnh Vĩnh Long.
Tuy nhiên, với lòng yêu nước và nghĩa đồng bào kết hợp với sự nhận thức sâu sắc về lẽ công bằng và dân chủ LS Nguyễn Hữu Thọ luôn đứng về phía nhân dân để bảo vệ công lý và bênh vực lẽ phải, trong đó có cả những nhà cách mạng trước tòa án thực dân. Điều đó thực ra đã bắt đầu trong tâm trí của người sinh viên Nguyễn Hữu Thọ lúc ông còn du học ở Pháp.
Sống trong môi trường đầy đủ, bên cạnh các “ông tây, bà đầm” ở nước Pháp hoa lệ trong khi Tổ quốc Việt Nam đang chìm đắm trong vòng nô lệ, ông đã từng tự nhủ: Ráng học giỏi để về nước làm gì có ích cho nước, có lợi cho dân. Từ đó, ông có niềm tin rằng nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc sẽ giành được độc lập, tự do cho đất nước.
Ngay trong Cách mạng Tháng Tám và tiếp theo là Nam Bộ kháng chiến, LS Nguyễn Hữu Thọ đã tham gia nhiều phong trào, hoạt động yêu nước của giới trí thức. Năm 1947, ông từ chức Chánh án Vĩnh Long để lên Sài Gòn mở văn phòng luật nhằm mở rộng mạng lưới hoạt động của ông rộng lớn hơn theo yêu cầu của cách mạng. Từ đó, ông tham gia nhiều phong trào hoạt động yêu nước của giới trí thức và ngày càng dấn thân nhiều hơn, sâu hơn.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhắc đến một chi tiết ấn tượng: “Không ít trường hợp, luật sư bào chữa không lấy thù lao và cũng y như vậy, không phải thân chủ đến gõ cửa luật sư mà chính luật sư sục sạo trong đống cáo trạng để chọn “thân chủ” mà vấn đề luôn gay gắt, luôn kề cái án tử hình bởi đó là những Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), Lý Hải Châu, Đỗ Duy Liên, cùng hàng trăm trường hợp tương tự mà LS Nguyễn Hữu Thọ đã đem hết trí lựcvà trái tim giành mạng sống cho họ”.
Những hoạt động yêu nước đã dẫn ông đến chặng đường tù ngục và lưu đày dài dằng dặc, có lúc bị đưa ra tận vùng heo hút khổ cực nhất thời ấy là nhà lao Lai Châu, có lúc bị đưa về giam rồi quản thúc nhiều năm tại Phú Yên... Sống cách ly đã lâu và bị áp lực tâm lý quá nặng nên sau này vợ ông là bà Dương Thị Chung đã bị bệnh tâm thần.
Nói về giai đoạn này, ông Nguyễn Hữu Châu cho biết: “Mẹ tôi nhiều lần “đứng tim” bởi các hoạt động của cha tôi, mặc dù bà luôn ủng hộ các việc làm của ông”. Với các lý do nhằm bảo vệ cái gọi là an ninh quốc gia, chính quyền Sài Gòn đã lần lượt bắt giữ và giam cầm LS Nguyễn Hữu Thọ tại bót Catinat, Khám lớn Sài Gòn, Khám Chí Hòa, nhà lao Gia Định… Kể từ đó, bà Dương Thị Chung và các con thường xuyên đi thăm nuôi chồng và cha, động viên ông vượt qua các khó khăn của cuộc đấu tranh.
Sau đó, để tách luật sư ra khỏi phong trào đấu tranh ở Sài Gòn, chính quyền thực dân đã đày ông ra tận nhà tù ở Hà Nội, rồi nhà tù ở Bản Giằng, Mường Tè, Lai Châu vào năm 1950. Ông Nguyễn Hữu Châu cho biết: “Khi cha tôi bị đày ra tận Lai Châu, sát vùng biên giới phía Bắc, dù mẹ con tôi rất muốn đi thăm cha, nhưng vô phương, không cách nào tìm đường để đi đến đó được”.
LS Nguyễn Hữu Thọ đã gửi thư phản đối chính quyền thực dân về hành động này, trong đó ông lên án chính quyền này đã âm mưu “chia rẽ hoàn toàn vợ với chồng, cha với con và vô nhân đạo”.
Nói về giai đoạn này, ông Nguyễn Hữu Châu kể: “Lúc này em Thủy chưa đầy 2 tuổi. Lần đầu tiên sống xa chồng, một nách 3 con, mẹ tôi sống trong buồn lo và căng thẳng. Mẹ mất ngủ kéo dài, thần kinh ngày càng suy nhược. Họa vô đơn chí, ngôi nhà 152 De Gaulle (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) ở Sài Gòn bị chủ đòi lại. May là có bà ngoại cho mẹ, con về ở chung. Tháng 11/1952, cha tôi được trả tự do, gia đình lại được xum họp.
Trong thời gian này cha tôi dành thời gian chữa trị bệnh cho mẹ tôi ở bệnh viện Chợ Quán. Nhưng việc nước, việc dân lại dồn dập, khẩn trương cha tôi tham gia thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình, đòi thi hành Hệp định Genève. Ngày 15/11/1954, cha tôi lại bị bắt giam mà không được thông báo trước. Chúng tôi cũng không biết chính quyền đưa cha tôi đi giam ở đâu. Về sau mới biết chúng đưa cha tôi đi quản thúc ở Hải Phòng. Sau đó, chính quyền Sài Gòn tiếp tục đày ải cha tôi tại Phú Yên. Trong thời gian đó, mẹ tôi rất lo lắng và căng thẳng vì không có tin tức gì của cha tôi, không biết sống chết ra sao, bệnh tình mẹ tôi lại càng thêm nặng.
Rồi có một tin sét đánh, gia đình tôi nhận được một điện tín khẩn báo rằng cha tôi bệnh rất nặng ở Phú Yên. Gia đình gấp rút ra ngoài đó tìm cha tôi, tưởng là để chôn cất cha. May mắn nhờ một mũi tiêm thuốc kịp thời đã cứu sống cha tôi, cứu mạng được cha tôi sau một trận đánh tàn nhẫn của kẻ thù tại huyện Củng Sơn, Phú Yên”.
Trong suốt thời gian LS Nguyễn Hữu Thọ bị giam cầm ở Phú Yên gia đình ông ở Sài Gòn hết sức khó khăn. Bà Dương Thị Chung lúc này bệnh tình rất nặng, không có điều kiện chăm sóc và chữa trị, phải vào nhà dưỡng lão Thị Nghè, trong lúc 3 con còn nhỏ phải vào trường nội trú.
Ông Châu cho biết, tình hình gia đình lúc này rất bế tắc, không có nhà để ở. May thay, có người quen giúp đỡ cho mượn tiền để 3 chị em mướn được căn nhà trong hẻm nhỏ, đưa mẹ về chăm sóc.
“Chị Trân và tôi phải vừa đi học vừa đi dạy thêm kiếm tiền nuôi mẹ và cả nhà. Nhà khoảng 40 mét vuông, chật hẹp, 4 mẹ con ngủ dưới đất, nhà bếp, nhà ăn, nhà tắm là một, đi vệ sinh công cộng. Vì quá thương vợ con bơ vơ, dù bị tù tội đày ải, cha tôi vẫn tìm cách viết thơ cho nhiều bạn bè nhờ họ giúp mẹ con tôi vượt qua hoàn cảnh éo le này… Tuy vậy, chúng tôi vẫn sống hạnh phúc với niềm tin ở người cha có trách nhiệm với gia đình, với đất nước và nhân dân”.
Sau ngày 30/4/1975, luật sư Nguyễn Hữu Thọ về Sài Gòn và bà Chung vợ ông vẫn đang ở căn nhà trong hẻm nhỏ. Đây là lần xum họp gia đình kéo dài nhất của ông cho tới ngày ông qua đời ngày 24/12/1996. Tuy nhiên, đáng buồn là trong thời gian này bệnh tình của bà Dương Thị Chung không suy giảm. Ông Nguyễn Hữu Châu ngậm ngùi nói: “Cha tôi ra đi nhưng ông cũng yên tâm vì biết các con đã và đang chăm sóc tốt cho mẹ”.
Có thể nói, bà Dương Thị Chung là một trong những vị phu nhân có hoàn cảnh hết sức đặc biệt và éo le của những nhà cách mạng tiền bối, những người từng giữ vai trò, vị trí quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời bà hầu như chỉ có lo lắng và căng thẳng cho số phận của chồng, con không có lấy một ngày bình an cho bản thân mình.
Ngày 25/2/2016, các con cháu ông bà LS Nguyễn Hữu Thọ và Dương Thị Chung lại họp mặt, tưởng nhớ một thời kỳ gian khổ đã qua và chúc thọ bà tròn 95 tuổi. Cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ chắc cũng yên lòng...