Những ngày qua, nhiều phụ huynh đôn đáo tìm chỗ học con ở các trường cấp 3. Nhiều cha mẹ buồn bã và mệt mỏi vì phải chạy khắp nơi nộp hồ sơ dẫn đến chì chiết về kết quả của con… Dù vô tình hay cố ý, chính cha mẹ đã biến không khí gia đình trở nên nặng nề, căng thẳng. Và người ta tự hỏi từ bao giờ thi trượt trở thành “thảm kịch” của cả gia đình?
Được biết, do chỉ tiêu vào lớp 10 năm nay ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là hai thành phố lớn, Hà Nội và TP HCM có hạn nên có khoảng 20.000 học sinh ở TP HCM rớt khỏi lớp 10 công lập và ở Hà Nội là khoảng 38.000 học sinh...
Theo những giáo viên có kinh nghiệm, khi đăng ký nguyện vọng nhiều trường hợp do phụ huynh sĩ diện, hoặc quá kỳ vọng vào con nên cố chọn trường quá sức của các em. Vì vậy, khi trượt có em đã rơi vào tâm trạng buồn chán, thất vọng về bản thân. Nhiều em chia sẻ, điều các em sợ nhất chính là đối diện với bố mẹ.
Đánh giá công tâm, trong câu chuyện thi trượt, các em cũng chính là “nạn nhân” của cha mẹ, của nền giáo dục quá chú trọng thành tích.
Ở động tuổi bồng bột, không kiểm soát được hành vi, các em có thể đi đến những lựa chọn tiêu cực như bỏ nhà ra đi, lao vào các tệ nạn xã hội… Một số khác, vì áp lực học tập dẫn đến trầm cảm, nhiều em còn tìm tới cái chết để giải thoát bởi suy nghĩ mình mắc tội lớn. Chỉ khi những câu chuyện đau lòng xảy ra, các bậc phụ huynh mới hiểu con phát triển khoẻ mạnh, hạnh phúc quan trọng hơn việc đỗ đạt cao.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh nghĩ, trượt đại học thì còn có thể đi làm, nhưng trượt cấp 3, con còn quá bé, không biết phải làm gì. Thế nhưng, nhìn thẳng vào thực tế, bao nhiêu người sẽ sử dụng các kiến thức cấp 3 khi trưởng thành? Tốt nghiệp ĐH ra trường vẫn thất nghiệp nhan nhản.
Theo các chuyên gia giáo dục, với học sinh lớp 10, các em còn quá non nớt để đối mặt với những cú sốc lớn thế này. Vì thế với những em không may thi trượt lớp 10 rất cần sự chia sẻ từ thầy cô, bạn bè và đặc biệt là gia đình.
Học sinh cần được tư vấn để hiểu có rất nhiều lựa chọn để đi tiếp, không nhất thiết phải thi đỗ tại một kỳ thi. Với gia đình có điều kiện thì có thể học dân lập. Còn khó khăn thì học giáo dục thường xuyên, bây giờ cải thiện rất nhiều. Các em có thể vừa đi học buổi tối, vừa đi làm thêm vừa sức để kiếm tiền, cơ hội trải nghiệm, trưởng thành rất lớn.
Ngoài ra, hiện nay, các trường nghề tiếp cận với học sinh từ rất sớm. Học nghề cũng là một lựa chọn rất hợp với nhiều học sinh. Ở môi trường nào, quan trọng là các em thật sự nỗ lực, nghiêm túc, tìm được đúng khả năng của mình thì các em sẽ thành công. Việc thi không đỗ chỉ là một bước ngoặt trong cuộc sống có vô vàn bước ngoặt, sóng gió. Trượt lớp 10 chưa hẳn đã là điều không may. Cần nhất là các em vượt qua được cú sốc vào lúc này.