Tại Quảng Nam những ngày này, các làng nghề sản xuất bánh in, bánh đậu xanh và dệt chiếu ở huyện Duy Xuyên, không khí vô cùng sôi động, bà con tích cực sản xuất các loại sản phẩm nhằm cung ứng kịp thời các đơn đặt hàng của thị trường tết Đinh Dậu năm 2017.
Các nhân công ở cơ sản xuất bánh in thôn An Lạc đang cho bao để bán.
Sôi động làng bánh
Chúng tôi có mặt tại làng nghề sản xuất bánh đậu xanh, bánh in ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, đây là làng nghề đã có truyền thống làm bánh lâu đời và nổi tiếng.
Ngay từ sáng sớm, các hộ gia đình làm bánh in, bánh đậu xanh đã bắt đầu đi vào những công đoạn sản xuất. Người lấy nếp rửa sạch, kẻ đem xay ra thành bột, người khác lại chuẩn bị các nguyên liệu, mỗi người một việc để sau đó sản xuất làm ra các loại bánh in, nhiều mẫu mã vừa ngon vừa đẹp. Không khí làm bánh nơi đây vô cùng sôi động.
Bà Nguyễn Thị Xuân đang bỏ các bao bánh đậu xanh vào thùng.
Bà Nguyễn Thị Xuân (62 tuổi), trú thôn An Lạc, xã Duy Thành, chủ cơ sở làm bánh đậu xanh, bánh in cho hay: “Năm nay, bắt đầu tháng 10 gia đình tôi đã khẩn trương làm bánh đậu xanh, bánh in để cung cấp cho thị trường dịp tết Đinh Dậu năm 2017. Để có số lượng bánh nhiều cung cấp cho các đại lý ở trong huyện và các huyện lân cận và Đà Nẵng, tôi phải thuê thêm người cùng 5 người trong gia đình tôi đã làm suốt ngày. Trung bình, một ngày, gia đình tôi làm được hơn 150 thùng bánh đậu xanh, bánh in, mỗi thùng có khoảng 120 bao bánh”.
Một nhân công tại đây còn cho biết cụ thể: “Muốn cho bánh đậu xanh, bánh in thơm ngon phải làm cẩn thận từng công đoạn, từ việc chọn lựa nếp, rang nếp, nhào bột và khuấy nước đường. Đặc biệt, công đoạn đổ bột vào khuôn để làm bánh cần phải tỉ mỉ, khéo léo giữ cho bánh chặt đẹp và giữ được mùi vị hương thơm”.
Ông Nguyễn Văn Trực đang xay bột nếp để làm bánh in.
Đang xay bột làm bánh in để cung cấp thị trường Tết này, ông Nguyễn Văn Trực (57 tuổi), trú thôn An Lạc, xã Duy Thành chủ cơ sở làm bánh in cho biết: “Các chú thấy đó, không khí rất khẩn trương, để sản xuất bánh kịp thời cung cấp cho thị trường. Có rất nhiều người dân mua bánh in, bánh đậu xanh để thờ cúng ông bà tổ tiên và làm quà biếu cho người thân nên đây là dịp làm ăn của nghề này, có thể nói sản xuất bao nhiều đều bán hết”.
Qua trao đổi với ông Lê Trung Xuân, Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: “Làng nghề làm bánh đậu xanh, bánh in ở thôn An Lạc đã có từ lâu đời và nổi tiếng. Hàng năm, cứ mỗi dịp tết đến làng nghề lại sôi động, nhộn dịp hơn. Với số lượng bánh làm ra rất nhiều để cung ứng cho thị trường tết. Hiện tại, ở thôn An Lạc có trên 10 hộ gia đình làm nghề bánh đậu xanh, bánh in đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 100 người. Qua đó, nâng cao nguồn thu nhập của người dân nơi đây”.
Rộn ràng làn chiếu
Hơn 20 ngày nữa là đến tết cổ truyền của dân tộc, làng nghề dệt chiếu ở thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang tất bật sản xuất hàng nghìn bức chiều lác để cung cấp cho thị trường vào dịp tết Đinh Dậu năm 2017.
Bà Võ Thị Sơn đang ngồi luồn sợi lác qua khung dệt chiếu.
Đang ngôi luồn sợi lác qua khung để cho con gái dệt chiếu, bà Võ Thị Sơn (62 tuổi), trú thôn Đông Bình, xã Duy Vinh cho biết: “Ở làng Đông Bình tôi và người dân nơi đây dệt chiếu quanh năm nhưng vào khi vào mỗi dịp tết đến xuân về thì mọi người tất bật hơn để dệt nhiều chiếc chiếu bán ra thị trường Tết. Tôi từ hồi con nhỏ đã được mẹ dạy học nghề dệt chiếu, cắt lác, phơi khô và nhuộm màu. Việc để dệt được một chiếc chiếu phải mất rất nhiều thời gian mà phải đòi hỏi người dệt tỉ mỉ trong từ công đoạn để dệt ra một chiếc chiếu đẹp. Dệt một chiếc chiếu phải cần 2 người, một người luồn sợi lác qua khung và người kia ngồi dệt. Đặc biệt, thời gian, gần tới Tết Đinh Dậu năm 2017, nhu cầu thị trường dùng chiếu tăng cao nên tôi và mọi người dân đang tranh thủ ngồi dệt chiếu liên tục”.
Ông Lê Công Đôi đang ngồi dệt chiếu để kịp bán trong dịp tết Đinh Dậu năm 2017.
Còn ông Lê Công Đôi (58 tuổi), trú thôn Đông Bình, xã Duy Vinh đang ngồi trên khung để dệt chiếu nói: “Tôi và vợ mình đang khẩn trương dệt nhiều chiếc chiếu để bán dịp tết này. Trung bình, một ngày tôi dệt được hai chiếc chiếu, mỗi chiếc chiếu giá từ 60-120 nghìn đồng. Sau khi trừ, các khoảng chi phí tôi chỉ lời tiền công khoảng 15-30 nghìn đồng/1 chiếc chiếu”.
Ông Nguyễn Văn Sành, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết: “Làng dệt chiếu ở xã Duy Vinh có khoảng 700 hộ, với 3 cơ sở dệt chiếu bằng máy móc, với hơn nghìn nhân công lao động, 60 ha diện tích trồng lác. Ngoài ra, đa số người dân ở xã Duy Vinh dệt chiếu bằng thủ công rất mất nhiều thời gian nên nguồn thu nhập vào dệt chiếu chưa cao”.
Không chỉ các làng nghề làm bánh, dệt chiếu mà các làng hoa cây cảnh, làng mỹ nghệ, làng sản xuất ra,… tại Quảng Nam cũng đang sôi động. Tất cả đang hối hả, tập trung sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường tiêu thu trong dịp Tết năm nay.