Tồn kho tăng mạnh, âm dòng tiền đang là nỗi lo với các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải vay nóng để trả lương.
Thực tế trên báo cáo tài chính quý 2 của nhiều doanh nghiệp cũng đang cho thấy những khó khăn nhất định về dòng tiền kinh doanh, nhất là doanh nghiệp có quy mô trung bình và nhỏ trong ngành.
Trên báo cáo tài chính quý 2, thống kê cho thấy có tới 20 doanh nghiệp vay và nợ thuê tài chính lớn nhất sàn chứng khoán hiện đang vay nợ 292.200 tỷ đồng, tăng 7% so với con số vay nợ đầu năm là 272.187 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp gánh nợ vay và tồn kho ngày càng tăng dẫn đến âm dòng tiền kinh doanh.
Đơn cử, tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BCM), vay nợ 6 tháng đầu năm 16.052 tỷ đồng, tăng 8% so với con số đầu năm. Nợ phải trả 31.947 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu 16.516 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh của BCM tính đến cuối tháng 6 âm 572 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước dương 140 tỷ đồng.
Trong khi đó dòng tiền kinh doanh của Đầu tư Hải Phát khi âm gần 1.550 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do lượng hàng tồn kho doanh nghiệp tăng mạnh 1.455 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng thêm 591 tỷ đồng.
Tương tự khi dòng tiền của Nhà Khang Điền diễn biến tiêu cực từ dương 455 tỷ cùng kỳ chuyển sàn âm hơn 840 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Điều này là do công ty đẩy mạnh thanh toán mạnh các khoản phải trả 752 tỷ đồng và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp gần 461 tỷ đồng.
Một số đơn vị khác cũng ghi nhận lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh âm đáng chú ý như Đầu tư Nam Long, Năm Bảy Bảy, Hodeco, Đất Xanh, Nhà Đà Nẵng…
Trước thực trạng kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho biết, doanh nghiệp đang phải đôn đáo đi vay mượn, thậm chí vay nóng để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu và trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn.
Theo quy chế hoạt động của ngân hàng, các khoản vay đáo hạn nếu không trả đúng thời gian thì sẽ được ngân hàng tự động chuyển thành khoản nợ xấu. Việc phân loại thành nợ xấu sẽ càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn do không thể tiếp cận được các khoản vay mới.
“Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình”, ông Châu nói.
HoREA cho biết ngân hàng Nhà nước trong 2 năm qua đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản hầu như chưa được xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Hiệp hội này đề xuất cho các doanh nghiệp được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ xấu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.